Trong tuyên bố đăng tải trên trang thông tin điện tử của IMF, người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ cho rằng IMF hiện có nhiều nguồn lực phong phú để thực thi nhiệm vụ, trong khi các nước thành viên cũng có nhiều nguồn bổ sung đáng kể trong trường hợp khủng hoảng xảy ra. Do đó, ông Mnuchin cho rằng Mỹ không thấy cần thiết phải tăng hạn ngạch cổ phần của các quốc gia thành viên ở thời điểm hiện tại.
Theo giới phân tích, không có sự ủng hộ của Mỹ trong việc thay đổi tỷ lệ cổ phần của IMF thì sẽ có rất ít triển vọng thay đổi vấn đề hạn ngạch của các nước thành viên IMF tại các cuộc họp đang diễn ra ở Washington. Một quan chức Đức giấu tên cũng cho rằng sẽ không thể hội đủ đa số để có thể có bất cứ thay đổi nào liên quan vấn đề hạn ngạch của IMF. Lần tăng hạn ngạch của IMF gần đây nhất đã được nhất trí từ năm 2010, theo đó tăng tỷ lệ cổ phần và tầm ảnh hưởng cho các thị trường mới nổi, trong đó có Trung Quốc và Brazil. Hiện IMF có tổng vốn cho vay khoảng 1.000 tỷ USD.
Những tuyên bố trên của Mỹ dường như cũng đồng nghĩa với việc điều chỉnh quỹ IMF và quyền bỏ phiếu của các nước thành viên sẽ không có gì thay đổi khi các lãnh đạo IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đang tiến hành cuộc họp mùa Xuân tại Washington. Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cũng bày tỏ ủng hộ việc gây quỹ một cách phù hợp trong IMF, cho rằng việc không thể tăng quỹ có thể gây phương hại tới hoạt động cứu trợ của IMF.
IMF hiện có 189 nước thành viên kể từ khi thành lập năm 1945 đến nay. Danh sách 10 nước có tỷ lệ quyền bỏ phiếu cao nhất tại IMF gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh, Italy, Ấn Độ, Nga và Brazil. Có 4 tiêu chí quyết định quyền bỏ phiếu của một quốc gia thành viên, gồm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP); sự mở cửa buôn bán, "sự biến động" của nền kinh tế và lượng dự trữ ngoại tệ của nền kinh tế.