Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra phát biểu trên ngày 23/4 khi kết thúc hội nghị trực tuyến kéo dài hai ngày với sự tham gia của 40 nhà lãnh đạo khác trên thế giới. Ông nhấn mạnh: "Những cam kết mà chúng ta đã đưa ra cần phải được hiện thực hóa". Theo nhà lãnh đạo Mỹ, các nước cần cùng nhau hợp tác nhằm xây dựng một tương lai năng lượng sạch, tạo ra nhiều việc làm và vượt qua mối đe dọa của biến đổi khí hậu, đồng thời đầu tư vào đổi mới và phát triển con người, nâng cao tham vọng cũng như đảm bảo mọi quốc gia đều hoàn thành được cam kết của mình.
Trước thềm hội nghị cũng như tại sự kiện này, Mỹ, Nhật Bản và Canada đã đặt mục tiêu mới nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Brazil cam kết cùng các quốc gia khác đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, trong khi Hàn Quốc thông báo sẽ chấm dứt hỗ trợ tài chính cho các nhà máy sử dụng than đá ở nước ngoài.
Theo Nhà Trắng, với những mục tiêu giảm phát thải mới được công bố trên, hơn một nửa trong số các nền kinh tế thế giới hiện nay cam kết tăng tốc hành động nhằm kiềm chế sự tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và ngày càng có thêm nhiều nước khác đưa ra cam kết này. Đây cũng là mục tiêu chính của hội nghị nhằm tránh những tác động thảm khốc do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.
Ngoài ra, hội nghị cũng đề cập đến việc mở rộng tham vọng hành động vì khí hậu sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc tạo ra những việc làm mới, phát triển những công nghệ mới và tăng trưởng kinh tế, cũng như tăng cường nhận thức rằng cần phải cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Tổng thống Biden đã cam kết đưa Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump. Một trong những hành động mà ông thực hiện vào ngày 20/1, ngày ông nhậm chức Tổng thống Mỹ, là bắt đầu tiến trình tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mà cựu Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi hiệp định này.
Hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến quy tụ 40 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày diễn ra vào thời điểm các nhà khoa học đang cảnh báo rằng các chính phủ phải có hành động dứt khoát để kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Hậu quả của việc vượt quá ngưỡng này là sự biến mất của nhiều loài động thực vật, tình trạng thiếu nước trầm trọng và các hiện tượng thời tiết cực đoan, gây thiệt hại nghiêm trọng nhất cho các quốc gia nghèo nhất. Tuy nhiên, một nghịch lý là các nước nghèo lại chỉ chịu một phần trách nhiệm rất nhỏ trong việc nhiệt độ Trái Đất tăng lên.