Theo nghiên cứu, đến giữa thế kỷ này ở Nhật Bản sẽ có khoảng 4,48 triệu người cao tuổi không có họ hàng đến đời thứ ba, chiếm 11,5% trong tổng dân số cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) là 39 triệu người. Ngoài ra, số người từ 65 tuổi trở lên không có con sẽ tăng từ 4,59 triệu người vào năm 2024 lên 10,32 triệu người vào năm 2050. Trong nhóm này, số người chưa kết hôn dự kiến sẽ tăng từ 3,71 triệu lên 8,34 triệu người. Những điều này sẽ đặt ra thách thức lớn về mặt xã hội và pháp lý, đặc biệt trong việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ cuộc sống cho những người già cô đơn.
Cũng theo nghiên cứu, nguyên nhân chính dẫn đến viễn cảnh trên là do tỷ lệ kết hôn giảm và tuổi thọ trung bình tăng cao.
Theo số liệu của Viện nghiên cứu Dân số và An sinh xã hội quốc gia, trong năm 2024, ước tính có khoảng 2,86 triệu người trên 65 tuổi không có họ hàng ruột thịt trong vòng ba đời. Khi số lượng người này ngày càng gia tăng, hệ thống hỗ trợ truyền thống dựa vào gia đình sẽ dần sụp đổ.
Luật pháp hiện hành của Nhật Bản quy định việc chăm sóc người cao tuổi thuộc về trách nhiệm của các thành viên trong gia đình và họ hàng trong vòng 3 đời. Tuy nhiên, với thực tế ngày càng có nhiều người cao tuổi không có người thân, quy định này đang trở nên khó thực hiện và nhiều người cao tuổi khó tìm được người bảo lãnh để vào viện dưỡng lão hoặc các cơ sở chăm sóc sức khỏe khác.
Trước tình hình này, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ chăm sóc tư nhân và soạn thảo hướng dẫn liên quan để tránh các vấn đề tiềm ẩn.