Ngày 22/5, Cơ quan Ngư nghiệp Na Uy cho biết kể từ giữa tháng 5 tới nay, đã có hơn 10.000 tấn cá hồi chết trong các trại nuôi ở các vịnh hẹp ở hạt Nordland và hạt Troms, miền Bắc nước này trong tuần trước. Cơ quan trên cho biết thiệt hại do cá hồi chết lên tới 70 triệu USD.
Cơ quan Ngư nghiệp Na Uy cho hay nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do sự xuất hiện của loài tảo Chrysochromulina ở bờ biển phía Bắc nước này. Đây là một loại phù du thường thấy ở vùng nước Na Uy, song loài tảo này có thể phát triển rầm rộ do một số nguyên nhân như thời tiết ấm, rồi mắc vào mang cá, khiến cá nuôi trong lồng bị chết. Cơ quan Ngư nghiệp Na Uy cảnh báo hiện tượng tảo Chrysochromulina sẽ tiếp tục lan rộng và lượng cá hồi chết có thể tăng cao.
Theo các chuyên gia, tình trạng cá hồi chết chủ yếu tác động đến các doanh nghiệp nhỏ trong khi các doanh nghiệp lớn như Mowi hay Leroy không bị ảnh hưởng. Chuyên gia Paul Aandahl (Pôn A-an-đan) thuộc Ủy ban Hải sản Na Uy cho hay còn quá sớm để xác định mức thiệt hại của các nhà sản xuất, song nhiều khả năng khoảng 8 triệu con cá hồi, tương đương với thị trường sẽ thiếu hụt 40.000 tấn cá.
Tình trạng cá hồi nuôi chết do tảo đã khiến giá bán của loại hải sản này tăng tới 5,7% trong tuần trước và nếu kéo dài, doanh thu của ngành này có nguy cơ giảm 50% trong năm 2019. Na Uy là quốc gia xuất khẩu cá hồi lớn nhất thế giới với lượng xuất ra thị trường nước ngoài trong năm 2018 lên tới 1,24 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm trước đó.
Năm 1991, các cơ quan chức năng Na Uy cũng ghi nhận tình trạng cá hồi chết hàng loạt do tảo.