Theo báo cáo phân tích của công ty dịch vụ tín dụng Experian, do học phí và các chi phí khác đều leo thang, hiện có hơn 40 triệu người Mỹ dù đã ra trường nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, vẫn mang trên mình gánh nợ từ thời sinh viên. Con số này tăng vọt so với khoảng 29 triệu người ở thời điểm năm 2008. Hơn 40 triệu người Mỹ dù đã ra trường nhiều năm vẫn mang trên mình gánh nợ từ thời cắp sách.
|
Trong hơn 40 triệu người thuộc diện trên, mỗi người mang nợ trung bình
khoảng 29.000 USD từ thời sinh viên, so với mức trung bình 23.000 USD
năm 2008. Tổng số tiền nợ sinh viên Mỹ đã vượt ngưỡng 1.200 tỷ USD, tăng
84% kể từ cuộc đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước. Bà Rosemary
Anderson, một phụ nữ ly hôn với hai cô con gái đã trưởng thành, cho
biết năm nay tuy đã 57 tuổi nhưng bà vẫn còn mắc nợ 152.000 USD từ thời
sinh viên cách đây hơn 20 năm với hai tấm bằng cử nhân và thạc sỹ. Một
lý do khiến khoản nợ của bà Anderson tăng mạnh là do ngoài khoản nợ của
cá nhân, bà còn phải tiếp tục vay để chi trả cho việc học hành của hai
cô con gái. Số người từ 50 tuổi trở lên chiếm tới 17% trong khoản nợ
1.200 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2005.
Thống kê mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết, trong vòng một thập niên qua, gánh nặng nợ nần của sinh viên Mỹ đã tăng hơn ba lần, trở thành một “quả bom nổ chậm” nguy hiểm không kém khoản vay thế chấp dưới chuẩn từng đẩy nước Mỹ vào cuộc khủng hoảng 2007-2009.
Khoảng 43% người Mỹ dưới tuổi 25 ít nhiều vẫn còn vướng vào các khoản nợ thời sinh viên. Tổng lượng tiền cho sinh viên vay trong năm 2010 lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 100 tỷ USD/năm. Hiệp hội toàn quốc các luật sư chuyên về phá sản và vỡ nợ của người tiêu dùng (NACBA) cho biết, trong vài năm qua, số lượng sinh viên Mỹ nộp đơn xin bảo lãnh vỡ nợ tăng từ 25% đến 30%.
Thái Hùng (P/v TTXVN tại Washington)