Bộ Bảo tồn New Zealand cho biết những con cá voi mắc cạn lần này thuộc một đàn cá voi 80-90 con được nhìn thấy tối 29/11 trên bờ biển của Đảo Chatham, cách Đảo Nam 800 km về phía Đông. Khi lực lượng cứu hộ tới hiện trường, 50 con cá voi đã chết, chỉ có một con mắc cạn còn sống trong khi số còn lại đã tự trở lại biển. Tuy nhiên, con cá voi còn sống ở trong tình trạng sức khỏe rất xấu và đã được cho chết nhân đạo.
Đây là vụ cá voi mắc cạn thứ 5 tại New Zealand trong chưa đầy một tuần trở lại đây, trong đó 145 cá voi hoa tiêu mắc cạn hồi cuối tuần trước tại đảo Stewart và tất cả số cá voi này đã chết. Ngoài ra còn có vụ mắc cạn của một nhóm 12 cá voi lùn sát thủ tại vùng bờ biển phía Bắc của New Zealand; 2 vụ riêng rẽ một cá nhà táng và một cá nhà táng lùn mắc cạn tại Đảo Bắc.
Khoa học hiện chưa có giải thích rõ ràng về nguyên nhân cá voi và cá heo mắc cạn. Một số giả thuyết phổ biến bao gồm cá ốm bệnh, định hướng sai, yếu tố địa lý, sự xuất hiện của kẻ săn mồi và thời tiết cực đoan. Karen Stockin, một chuyên gia nghiên cứu động vật biển có vú tại Đại học Massey, cho rằng mặc dù cá voi mắc cạn không phải chuyện hiếm gặp tại New Zealand, một loạt vụ xảy ra chỉ trong một thời gian ngắn thực sự là bất thường.
Ngoài ra, trong khi cá voi hoa tiêu thường bị tìm thấy mắc cạn trên bờ biển New Zealand vào những tháng mùa hè, một số loài như cá voi lùn sát thủ và cá nhà táng hiếm khi giạt vào gần bờ biển. Vùng biển của New Zealand gần đây còn "đón" nhiều loài sinh vật biển trước nay chưa từng xuất hiện như cá voi xanh khổng lồ tại Vịnh Hauraki gần Auckland.
Chuyên gia Stockin cho biết các vùng biển của New Zealand đang ghi nhận mức nhiệt độ nước biển cao kỷ lục và đây được cho là một nhân tố khiến loài cá voi có những hành vi bất thường. Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân nước biển ấm bất thường một phần do hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino và một phần do biến đổi khí hậu.