Eo biển Hormuz là cửa ngõ dầu mỏ quan trọng nhất thế giới, nó tạo nên một "điểm nghẽn" dầu giữa Vịnh Ba Tư (còn gọi là Vịnh Persian) và Vịnh Oman. Đoạn eo biển dài chỉ vài chục km là con đường duy nhất nối với đại dương mở cho trên 1/6 sản lượng dầu toàn cầu và 1/3 lượng khí đốt hoá lỏng (LNG) của thế giới.
Khu vực nhạy cảm này gần đây đã trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới sau loạt vụ nổ phá huỷ hai tàu chở dầu xảy ra chỉ một tháng sau vụ 4 con tàu khác bị phá hoại ở cùng khu vực.
Chính xác thì Eo Hormuz nằm kẹp giữa hai quốc gia Vùng Vịnh là Oman và Iran, có vai trò thông Vịnh Ba Tư với Biển Arab và đại dương mở để từ đó đi khắp thế giới. Eo Hormuz chỉ dài 39km, điểm hẹp nhất là 33km, nhưng làn tàu chạy theo cả hai hướng chỉ rộng có 3km. Mỗi ngày có hàng chục con tàu di chuyển qua làn đường hẹp này.
Về đường biển thì đây là con đường duy nhất để chuyên chở hàng hoá hoặc con người ra phần còn lại của thế giới. Vì lý do đó, UAE và Saudi Arabia đã đề xuất xây dựng thêm các tuyến đường ống dẫn dầu để tránh tuyến đường biển nhạy cảm này.
Khoảng 1/6 lượng dầu sản xuất ra của thế giới đi qua Eo Hormuz, tương đương 17,2 triệu thùng mỗi ngày. Số dầu này bao gồm phần lớn dầu từ OPEC (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ) trong đó có Saudi Arabia, Iran, UAE, Kuwait. Qatar, nhà xuất khẩu khí đốt hoá lỏng LNG lớn nhất thế giới cũng vận chuyển phần lớn LNG ra eo biển này.
Do vị trí nắm giữ "sinh mệnh" dầu mỏ Vùng Vịnh của Eo biển Hormuz, Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ, đóng tại Manama, Bahrain, luôn chịu trách nhiệm bảo vệ các làn tàu biển qua khu vực này.
Là cửa ngõ lưu thông của gần 1/3 tất cả dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác được vận chuyển bằng tàu chở dầu, nhưng Eo Hormuz cũng là một nơi ngày càng nguy hiểm. Các cuộc tấn công gần đây nhằm vào tàu chở dầu làm dấy lên lo ngại rằng việc tuyến đường biển này dễ bị tấn công có thể gây bất ổn giá dầu cũng như nền an ninh, chính trị khu vực.
Ngày 13/6 vừa qua, tàu chở dầu Front Altair của công ty vận tải Na Uy đã bị bốc cháy sau khi bị tấn công khi đang trên đường từ Qatar đi Đài Loan (Trung Quốc). Chiếc tàu thứ hai là Kokuka Courageous do Công ty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) vận hành cũng bị bốc cháy khi đang trên đường từ một cảng của Saudi Arabia đến Singapore.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Iran đứng sau hai vụ tấn công tàu chở dầu nói trên. Phía Mỹ còn công bố đoạn băng cho thấy tàu tuần tra của Iran đang gỡ mìn chưa phát nổ từ một trong hai tàu chở dầu. Dựa trên nội dung đoạn băng này, Tổng thống Trump nhận định Iran là "thủ phạm". Tuy nhiên Tehran đã kiên quyết bác bỏ, cho rằng cáo buộc của Mỹ là "vô căn cứ". Ngoại trưởng Zarif cáo buộc Washington tìm cách phá hoại nỗ lực ngoại giao trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thăm Iran để làm trung gian hòa giải cho căng thẳng hiện nay tại Trung Đông.
Sau cuộc tấn công trắng trợn vào hai tàu chở dầu ngay bên ngoài Eo biển Hormuz, các nhà khai thác tàu chở dầu cũng đã nhanh chóng lên tiếng lo ngại. “Người dân thuộc mọi quốc tịch và tàu thuyền của mọi quốc gia đi qua tuyến đường biển quan trọng đó. Nếu tuyến đường trở nên không an toàn, nguồn cung cho toàn bộ thế giới phương Tây có thể gặp rủi ro”, ông Paolo d’Amico, Chủ tịch Hiệp hội Các chủ sở hữu tàu chở dầu độc lập, nói.
Trước đó, mới tháng 5, bốn tàu chở dầu đã bị tấn công gần Eo biển Hormuz, làm gia tăng mối lo ngại về xung đột giữa Iran và Mỹ. Một ngày sau đó, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các đường ống dẫn dầu, do phiến quân Houthi tiến hành, đã buộc Saudi Arabia phải ngừng bơm dầu xuất khẩu đến phía tây của đất nước.
Bờ biển Iran bao gồm phần lớn khu vực phía Đông của Vịnh Oman. Chính vì vậy, các nhà phân tích phương Tây cho rằng khi Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, Tehran có khả năng sẽ quấy rối hoạt động vận chuyển bằng đội thuyền tấn công nhỏ, tên lửa, mìn và các vũ khí khác.
Hai vụ tấn công vừa qua cũng làm gợi nhớ thời kỳ sóng gió khi các tàu qua Eo Hormuz bị đe doạ tấn công trong cuộc Chiến tranh Iran-Iraq vào thập niên 1980. Tiếp đó năm 1988, tuần dương hạm Mỹ USS Vincennes đã bắn rơi máy bay chở khách của Iran trên Vịnh Ba Tư, làm 290 người thiệt mạng trong một vụ việc mà Washington cho là sự cố. Năm 2010, một tàu chở dầu của Nhật Bản bị các tay súng vũ trang của khủng bố al-Qaeda tấn công tại Hormuz.
Xem video tàu chở dầu bị tấn công bốc cháy trên Vịnh Oman hôm 13/6:
Đầu năm 2012, Iran từng đe doạ can thiệp vào các tàu di chuyển qua Eo Hormuz để trả đũa lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu nhằm vào hoạt động bán dầu của nước này. Tháng 7/2018, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố nước ông có thể làm gián đoạn hoạt động của tàu chở dầu ngang qua Eo biển Hormuz sau khi Mỹ tìm cách hạn chế nguồn thu từ dầu lửa của Tehran.
Gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ nguy cơ Iran đóng cửa Eo biển Hormuz, đồng thời nhấn mạnh kể cả khi điều này xảy ra, thì cũng không thể kéo dài. Hiện tại Mỹ đã lập tức điều tàu khu trục USS Mason đến vùng Vịnh ngay sau vụ tấn công tàu chở dầu. Bộ Chỉ huy trung ương Mỹ (CENTCOM) khẳng định quân đội Mỹ luôn bảo vệ các lợi ích của nước này trước các vụ tấn công đe dọa sự tự do giao thương và đi lại quốc tế tại khu vực.