Thông báo trên Facebook, ông Orban cho biết các biện pháp mới sẽ có hiệu lực từ ngày 11/11, bao gồm mở rộng lệnh giới nghiêm ban đêm hiện nay, cấm tụ tập và đóng cửa các quán bar, nhà hàng và các địa điểm tham quan văn hóa.
Trong khi đó, các sự kiện thể thao sẽ tổ chức theo hình thức không khán giả, các trường đại học và trung học chuyển sang dạy trực tuyến, trường tiểu học và mẫu giáo hoạt động bình thường. Các biện pháp này sẽ được áp dụng trong tối thiểu 30 ngày. Để kích hoạt các biện pháp này, quốc hội Hungary sẽ thông qua lệnh tình trạng khẩn cấp trong ngày 10/11, cho phép chính phủ ban hành sắc lệnh.
Kể từ khi làn sóng dịch bệnh thứ 2 xuất hiện tại Hungary từ cuối mùa Hè, chính phủ nước này đã cố gắng tránh tái áp dụng các biện pháp hạn chế để cân bằng giữa công tác phòng chống dịch và lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, số ca mắc và tử vong vì dịch bệnh tại Hungary tăng mạnh từ đầu tháng 10 khiến các chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ các bệnh viện sẽ sớm quá tải đồng thời kêu gọi chính phủ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn.
Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), tính đến ngày 9/11, Hungary là quốc gia có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trên mỗi 1 triệu dân cao thứ 4 tại khu vực, sau CH Séc, Bỉ và Slovenia. Riêng trong ngày 9/11, quốc gia này ghi nhận hơn 5.000 ca mắc mới, với 6.061 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, trong đó có 415 người phải dùng máy thở. Cuối tuần qua, Thủ tướng Orban cũng thừa nhận tổng số 4.480 giường bệnh chăm sóc đặc biệt của nước này có thể sẽ được lấp đầy vào giữa tháng 12 tới.
Hiện châu Âu đang trải qua làn sóng dịch bệnh thứ 2 được cho là khắc nghiệt hơn đợt đầu tiên khi số ca mắc mới mỗi ngày tại nhiều nước liên tục lập đỉnh mới. Bên cạnh công tác kiểm soát dịch, các quốc gia cũng nỗ lực thúc đẩy quá trình phát triển vaccien phòng bệnh. Ngày 9/11, truyền thông Đức trích dẫn bản sao tài liệu chiến lược vaccine quốc gia của nước này cho thấy Berlin hy vọng sẽ có vaccine phòng COVID-19 trong quý đầu năm 2021.
Theo đó, Bộ Y tế Đức đã nêu ra 7 vaccine "tiềm năng" dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn thử nghiệm trong năm 2020 hoặc năm 2021. Những loại vaccine này do các công ty AstraZeneca, BioNtech phối hợp với Pfizer, Moderna và Novovax, Johnson &Johnson, GlaxoSmithKline và CureVac sản xuất. Bộ Y tế Đức cũng nhận định trong trường hợp những vaccine này đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn trong thử nghiệm thì thời gian dự kiến những vaccine đầu tiên được cấp phép đưa vào sử dụng sớm nhất sẽ là trong quý I/2021.
Trước đó, Chính phủ Đức đã lên kế hoạch thành lập các trung tâm triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc cho các nhóm ưu tiên, dễ bị tổn thương, như lực lượng nhân viên y tế, người cao tuổi... Chi phí vaccine sẽ do chính phủ liên bang hỗ trợ trong khi chính quyền các bang và các công ty bảo hiểm y tế công-tư nhân đảm nhận chi phí xây dựng các trung tâm tiêm chủng. Ngoài ra, để có được cái nhìn tổng quan về hiệu quả của vaccine, Đức sẽ thu thập dữ liệu gồm thông tin về độ tuổi, giới tính, nơi ở, ngày tiêm chủng, loại vaccine và liều lượng tiêm chủng được sử dụng.