Tình trạng chuẩn bị nghiên cứu bệnh dịch sẽ có hiệu lực đến ngày 18/12 tới nhưng Chính phủ Hungary sẽ xem xét lại sự cần thiết của cơ chế này 3 tháng 1 lần. Với sự thay đổi cơ chế này, cuộc sống gần như trở lại bình thường ở Hungary.
Theo đó dỡ bỏ quy định giờ mua sắm dành riêng cho người trên 65 tuổi (từ 9h sáng đến 12h trưa); cho phép tổ chức các sự kiện tập trung tối đa 500 người và người dân có thể tự do đi xem bóng đá. Tuy nhiên, đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc đối với những người làm việc trong không gian kín và người đi mua sắm. Hungary đến nay ghi nhận tổng số 4.079 người mắc bệnh và 5 người tử vong vì COVID-19.
* Tại Slovenia, do lo ngại về số ca mắc mới tăng cao nhất trong vòng 7 tuần qua, từ ngày 19/6 nước này yêu cầu cách ly bắt buộc 14 ngày đối với hầu hết những người đến từ Serbia, Bosnia và Herzegovina, và Kosovo. Phát biểu trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Slovenia Tomaz Gantar cho biết chính phủ cũng có thể gia tăng các biện pháp hạn chế ở trong nước nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan.
Tháng 5 vừa qua, Slovenia là quốc gia châu Âu đầu tiên tuyên bố hết dịch COVID-19 dù một số biện pháp hạn chế vẫn được duy trì.
Ngày 18/6, Slovenia thông báo ghi nhận thêm 8 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 29/4. Hầu hết các ca nhiễm mới trong 2 tuần qua là các trường hợp "nhập khẩu" hoặc có tiếp xúc với người đến từ nước ngoài. Đến nay, Slovenia có tổng số 1.511 ca bệnh và 109 người tử vong vì COVID-19. Slovenia đã cho phép tổ chức các sự kiện tập trung tối đa 500 người nhưng người dân phải đeo khẩu trang tại hầu hết những nơi công cộng có không gian kín và duy trì giãn cách xã hội. Tuần trước, Slovenia cũng đã áp đặt quy định bắt buộc cách ly 14 ngày đối với những người đến từ 31 quốc gia có nguy cơ mắc bệnh cao, trong đó có Nga, Mỹ, Anh và Thụy Điển.
* Chính phủ Croatia ngày 18/6 cho biết nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao đột biến với 11 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua. Sau gần 1 tháng số ca mắc mới theo ngày chỉ ở mức dưới 5 trường hợp hoặc không có ca nhiễm mới nào, số người mắc bệnh tăng cao bất ngờ nói trên cho thấy nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ 2 ở Croatia.
Kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 hôm 25/2 đến nay, Croatia đã ghi nhận 2.269 ca bệnh và 107 người tử vong. Quốc gia Đông Nam Âu này phụ thuộc lớn vào du lịch vốn đóng góp 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Croatia, chính phủ nước này dự báo thu nhập từ du lịch trong năm nay chỉ bằng 30-35% năm ngoái. Croatia đang nới lỏng dần các biện pháp hạn chế được áp đặt từ cuối tháng 4 vừa qua nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, theo đó mở cửa trở lại các đường biên giới với 10 nước châu Âu và nối lại các chuyến bay đến các thành phố ở châu Âu.