Nguồn tin trên dẫn lời ba nhà ngoại giao từ các quốc gia EU xác nhận rằng Hungary cho đến nay đang phủ quyết việc giải ngân khoản tiền này từ Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF).
Một trong những nhà ngoại giao trên cho biết đây là vi phạm thỏa thuận của châu Âu và là một nỗ lực gây ảnh hưởng đến sự thống nhất của EU.
Các cuộc thảo luận trong nhóm làm việc về khoản viện trợ vẫn đang diễn ra và vấn đề dự kiến sẽ được các ngoại trưởng EU giải quyết trong cuộc họp tiếp theo vào ngày 23/1 tới.
Vì điều này liên quan đến các vấn đề đối ngoại, nên cần có sự nhất trí từ tất cả 27 quốc gia thành viên EU để giải ngân.
Cho đến nay, EU đã giải ngân 3,1 tỷ euro để mua thiết bị quân sự cho Ukraine thông qua 6 đợt của EPF - chiếm hơn một nửa trong số 5,5 tỷ euro được phân bổ cho quỹ trong giai đoạn 2021-2027.
Được thành lập vào năm 2021, EPF là một công cụ mà qua đó EU cung cấp cho lực lượng vũ trang của các đối tác trang thiết bị và cơ sở hạ tầng nhằm ngăn chặn xung đột, xây dựng hòa bình và củng cố an ninh quốc tế.
Các bộ trưởng ngoại giao EU vào tháng trước đã đồng ý bổ sung thêm 2 tỷ euro cho năm 2023 của EPF, do quỹ ngày càng cạn kiệt kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Hungary cho đến nay đã hoàn thành các cam kết của mình theo những điều khoản của EPF. Việc đóng góp dựa trên GDP của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, Hungary đã từ chối cung cấp bất kỳ thiết bị quân sự nào cho Ukraine.
Ngoài ra, Hungary không cho phép các thành viên EU hoặc NATO khác chuyển giao thiết bị quân sự cho Ukraine qua lãnh thổ Hungary, mặc dù nước này là thành viên của 2 tổ chức trên.
Hungary cũng đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga và đã sử dụng thành công quyền phủ quyết của mình để đảm bảo các khoản giải ngân đáng kể từ các quỹ phục hồi của khối này, cùng một số ngoại lệ khác, ví dụ liên quan đến gói trừng phạt dầu mỏ của EU nhằm vào Nga.
Hungary cũng đã từng chặn việc phê duyệt gói viện trợ quan trọng trị giá 18 tỷ euro cho Ukraine vào tháng trước, nhưng từ bỏ quyền phủ quyết sau khi các nước khác đồng ý giải ngân số tiền EU bị đóng băng theo cơ chế pháp quyền mới.