Tại cuộc họp của các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU), Ngoại trưởng Szijjarto nêu rõ Hungary không chỉ cho phép sử dụng lãnh thổ nước này, mà còn tạo điều kiện cho việc chuyển thực phẩm từ Ukraine đến nhiều khu vực trên thế giới, trong đó chủ yếu là Bắc Phi hoặc Trung Đông.
Tuy nhiên, ông không cho biết Ukraine có thể xuất khẩu bao nhiêu ngũ cốc qua Hungary, đồng thời cho biết hai trung tâm logistics tại biên giới phía Đông nước này có thể được sử dụng. Theo Ngoại trưởng Szijjarto, có thể di chuyển nhanh chóng bằng đường sắt từ Hungary đến các cảng tại Đông Nam châu Âu.
Ukraine là nhà sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu chính trên thế giới, song xuất khẩu của nước này đã giảm mạnh kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine. Kiev đang nỗ lực xuất khẩu qua đường bộ, đường sông và đường sắt. Việc giảm sản lượng và xuất khẩu ngũ cốc đã làm dấy lên quan ngại về nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, trong khi các lệnh trừng phạt phương Tây nhằm vào Nga cũng góp phần đẩy giá lương thực, dầu ăn, phân bón và năng lượng tăng cao.
Cùng ngày, người phát ngôn của Chính phủ Đức cho biết nước này sẽ chủ trì một cuộc họp về khủng hoảng lương thực toàn cầu với sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Phát biểu tại họp báo ở thủ đô Berlin, người phát ngôn nêu rõ với chủ đề "Đoàn kết về An ninh lương thực toàn cầu", cuộc họp sẽ tập trung giải quyết vấn đề thiếu hụt lương thực do cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Trong vai trò là Chủ tịch luân phiên của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Chính phủ Đức đang nỗ lực tìm ra đáp án chung cho vấn đề khủng hoảng lương thực hiện nay.
Trên mạng Twitter, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định mục tiêu của cuộc họp là ổn định nguồn cung thực phẩm trên toàn thế giới.
Cuộc họp tại Berlin diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo các nước G7 chuẩn bị nhóm họp từ ngày 26-28/6 tại khu nghỉ dưỡng Schloss Elmau ở dãy núi Alps, Đức. Dự kiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ tham dự cuộc họp theo hình thức trực tuyến.