Trên mạng xã hội X, Thủ tướng Viktor Orban cho rằng phán quyết trên là không phù hợp và công bằng khi cho rằng Liên minh châu Âu (EU) đã không đặt lên hàng đầu lợi ích của chính công dân của Lục địa già.
Trước đó, cùng ngày, ECJ đã công bố phán quyết rằng Hungary phải nộp phạt 200 triệu euro (216 triệu USD) và áp dụng hình phạt 1 triệu euro/ngày (1,08 triệu USD/ngày) do nộp chậm, vì không tuân thủ luật tị nạn của khối này và đã trục xuất bất hợp pháp người di cư.
Theo ECJ, khoản tiền phạt và hình phạt trên là do Budapest cố tình trốn tránh việc tuân thủ luật pháp EU bất chấp phán quyết hồi năm 2020 rằng quốc gia thành viên này phải duy trì các thủ tục quốc tế đối với người xin tị nạn.
Chính phủ Hungary đã áp dụng chính sách cứng rắn đối với người nhập cảnh vào nước này kể từ khi có hơn 1 triệu người di cư đổ về châu Âu vào năm 2015, hầu hết trong số họ chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Syria. Hungary đã dựng hàng rào biên giới và tìm cách chặn người di cư. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, Chính phủ Hungary đã thông qua luật buộc những người tìm kiếm sự bảo vệ quốc tế phải đến Belgrade (thủ đô của Serbia) hoặc Kiev (thủ đô của Ukraine) để xin giấy phép du lịch tại các đại sứ quán ở đó để vào Hungary.
Các quốc gia thành viên EU phải trình bày kế hoạch của mình trước tháng 12 về cách thức sẽ áp dụng các quy định mới về tị nạn vốn sẽ đi vào hiệu lực vào năm 2026. Theo đó, các điều kiện chặt chẽ hơn sẽ được đưa ra đối với những người di cư bất thường, vốn sẽ phải đối mặt với các quy trình kiểm tra nhanh hơn, cùng với đó là việc trục xuất nhanh hơn những người được cho là không đủ điều kiện để xin tị nạn.
Các trung tâm biên giới sẽ được thiết lập để lưu giữ người di cư trong thời gian yêu cầu xin tị nạn của họ đang được tập hợp và nghiên cứu. Các quy định mới cũng yêu cầu các nước EU tiếp nhận hàng nghìn người xin tị nạn từ các quốc gia "tuyến đầu" như Italy và Hy Lạp, hoặc cung cấp tiền hay các nguồn lực khác cho các quốc gia đang phải chịu áp lực người nhập cư.