Tuy nhiên, chưa rõ Hungary quản lý việc sử dụng loại vaccine này như thế nào vì theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), vaccine Sputnik V của Nga phải được Cơ quan Y tế châu Âu cấp phép trước khi có thể được phân phối tại thị trường 27 quốc gia thành viên EU.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết lô vaccine trên sẽ được chuyển tới Trung tâm Y tế quốc gia Hungary để quyết định về việc sử dụng.
Nga và Hungary hồi tháng trước đã đạt được thỏa thuận cho phép các bác sỹ và chuyên gia y tế của Hungary quan sát quá trình sản xuất và thử nghiệm vaccine Sputnik V. Ngoại trưởng Szijjarto cho biết Hungary sẽ cố gắng có được vaccine ngừa COVID-19 sớm nhất có thể từ các nhà sản xuất của cả phương Tây và phương Đông.
Trước đó, ngày 26/12, quốc gia Trung Âu này bắt đầu triển khai tiêm vaccine do hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech phối hợp phát triển cho nhân viên y tế của nước này, sớm hơn 1 ngày so với hầu hết các quốc gia thành viên EU khác.
* Ngày 28/12, Bộ Y tế Jordan thông báo nước này đã đặt mua 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech, với lô hàng đầu tiên dự kiến sẽ được bàn giao vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 năm sau.
Hãng thông tấn nhà nước Petra dẫn phát biểu của Bộ trưởng Y tế Nazir Obeidat nêu rõ: "Jordan sẽ tiếp nhận 1 triệu liều vaccine từ Pfizer/BioNTech bàn giao theo từng đợt, bắt đầu từ tháng 1 hoặc đầu tháng 2/2021". Ông cho biết Jordan đang nỗ lực đảm bảo vaccine cho hơn 20% trong số 11 triệu dân của nước này, tương đương 2,2 triệu dân.
Hồi giữa tháng này, Jordan thông báo đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Pfizer/BioNTech cũng như đang tiến hành đàm phán với các hãng dược phẩm khác. Tuần trước, Jordan đã ra mắt trang web đăng ký tiêm chủng dành cho các nhân viên y tế tuyến đầu, những người trên 60 tuổi hoặc mắc các bệnh mãn tính.
Thống kê mới nhất cho thấy Jordan đã ghi nhận 289.748 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.778 tử vong.