Tạo động lực mới
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới trì trệ và những thách thức nghiêm trọng khác, hội nghị thượng đỉnh BRICS trực tiếp đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 tấn công toàn cầu năm 2020 đã nâng cao tình đoàn kết và hợp tác của các nước BRICS và các nước trong khối Nam bán cầu. Việc mở rộng thành viên lần này, vì vậy, được đánh giá sẽ tạo sức sống mới cho cơ chế hợp tác BRICS, tăng cường hơn nữa lực lượng vì hòa bình và phát triển thế giới. Đồng thời, sức mạnh kinh tế và tầm quan trọng toàn cầu của các thành viên BRICS trong các vấn đề thương mại, cũng sẽ tăng lên đáng kể khi số lượng thành viên từ 5 trở thành 11.
BRICS được đánh giá là lực lượng tích cực và ổn định, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng trật tự thế giới công bằng và bình đẳng bởi nhóm có đại diện từ khắp các châu lục. BRICS hiện chiếm 42% dân số thế giới và 1/4 GDP toàn cầu. Với việc kết nạp thêm thành viên, nhóm được dự báo sẽ chiếm 46,5% dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu. Một điều đáng lưu ý nữa là trong số thành viên mới sẽ bao gồm ba nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới là Saudi Arabia, UAE và Iran cùng với các nền kinh tế đang phát triển ở châu Phi và Mỹ Latinh là Ai Cập, Ethiopia và Argentina.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nhấn mạnh: “BRICS tượng trưng cho sự đoàn kết và tiến bộ. BRICS tượng trưng cho một trật tự bình đẳng, công bằng hơn. BRICS là viết tắt của sự phát triển bền vững”. Có thể thấy rõ trong quá trình hình thành và phát triển trong hơn 1 thập kỷ rưỡi qua, nhóm luôn thể hiện sự nhất quán về những giá trị và nguyện vọng này.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 kết thúc tại Nam Phi, đưa nhóm từ BRICS 5 thành BRICS 11 được đánh giá là thành công lớn. Điều này cũng chứng tỏ sự sống động và hấp dẫn của cơ chế BRICS cũng như vai trò lớn hơn của cơ chế này trong việc thúc đẩy phát triển, bảo vệ chủ nghĩa đa phương và cải thiện quản trị toàn cầu. Đề cao tinh thần cởi mở, toàn diện và hợp tác cùng có lợi, cơ chế BRICS thể hiện nền tảng hợp tác quan trọng cho các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết việc mở rộng BRICS sẽ tạo động lực mới cho cơ chế hợp tác của nhóm, trong khi Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva khẳng định BRICS chào đón thêm nhiều thành viên mới dựa trên tầm quan trọng địa chính trị của quốc gia chứ không dựa trên hệ tư tưởng của chính phủ lãnh đạo quốc gia đó. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: "BRICS không cạnh tranh hay đối đầu bất kỳ ai".
Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ tin tưởng BRICS và tất cả các quốc gia thân thiện tham dự cuộc họp lần này tại Nam Phi có thể góp phần củng cố thế giới đa cực.
Thế giới đang tiến vào một thời kỳ hỗn loạn và biến đổi mới, với những chuyển biến lớn, chia rẽ và tập hợp lại. Bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 chưa từng có, làm thay đổi nhiều trật tự thế giới và những bất ổn mới, các nước đang phát triển thậm chí còn phải đối mặt với những thách thức ghê gớm hơn trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững năm 2030 của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, thế giới cũng phải chứng kiến những đối đầu và xung đột ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.
Với môi trường quốc tế ngày càng phức tạp như vậy, việc nhóm BRICS mở rộng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng chung, bảo vệ chủ nghĩa đa phương và đóng góp vào việc quản trị toàn cầu công bằng và bình đẳng hơn cũng như một thế giới đa cực. Ông Priyal Singh, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu An ninh (ISS, Nam Phi) cho rằng BRICS mở rộng theo một cách nào đó sẽ góp phần tạo ra ảnh hưởng và đòn bẩy lớn hơn cho nhóm này. Điều quan trọng là các nước cùng nỗ lực. tận tâm và phối hợp hơn nữa để chỉ đạo và điều phối sự tham gia tập thể đó.
Đối mặt với những thách thức
Lãnh đạo các quốc gia đã chia sẻ tầm nhìn của BRICS hướng đến tư cách là các quốc gia đại diện cho nhu cầu và mối quan tâm của người dân ở các nước Nam bán cầu, gồm nhu cầu tăng trưởng kinh tế có lợi, phát triển bền vững và cải cách các hệ thống đa phương. BRICS cũng khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa đa phương toàn diện và duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm các mục đích và nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc. Các nhà lãnh đạo nhóm cũng bày tỏ quan ngại về những xung đột đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới và nhấn mạnh cam kết của BRICS về việc giải quyết những khác biệt và tranh chấp một cách hòa bình, thông qua đối thoại và tham vấn toàn diện.
Theo đánh giá của Giáo sư Dmitry Trenin thuộc Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế, chưa bao giờ Nhóm năm nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) thu hút được nhiều sự quan tâm trên khắp thế giới như hiện nay và Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của khối BRICS từ cuộc họp đầu tiên ở cấp bộ trưởng kinh tế bên lề Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg năm 2006 và Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên tại Ekaterinburg năm 2009.
Trong tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS cũng khuyến khích các tổ chức tài chính đa phương và các tổ chức quốc tế đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng sự đồng thuận toàn cầu về chính sách kinh tế. Tuyên bố có đoạn nhấn mạnh về động lực toàn cầu hướng tới sử dụng đồng nội tệ, các thỏa thuận tài chính thay thế và hệ thống thanh toán thay thế.
Mặc dù vậy, thách thức lớn nhất đối với khối BRICS là đưa ra các công cụ tài chính mới để giảm sự phụ thuộc của các nền kinh tế ngoài phương Tây vào đồng USD. Việc Washington vũ khí hóa đồng tiền của mình trong cuộc chiến hỗn hợp chống lại Nga, đồng thời thao túng thương mại và công nghệ chống lại Trung Quốc đã khiến vấn đề trở nên cấp bách.
Chuyên gia Trenin đánh giá, các hạn chế của phương Tây đã cản trở hoạt động của Ngân hàng Phát triển Mới của BRICS. Nhiều ý tưởng đã được đưa ra để tạo ra một loại tiền tệ chung của nhóm này nhằm phá vỡ sự độc quyền của đồng USD trong hệ thống tài chính thế giới. Tuy nhiên, rõ ràng là việc tạo ra một đồng tiền dự trữ cho 5 nền kinh tế rất khác nhau, trong đó Trung Quốc chiếm hai phần ba GDP danh nghĩa kết hợp của nhóm, sẽ đi ngược lại nguyên tắc được bảo vệ về chủ quyền quốc gia. Mục tiêu ban đầu là đạt được sự độc lập tài chính sẽ không được đáp ứng.
Một cách thực tế hơn sẽ là cải thiện thực tiễn sử dụng tiền tệ quốc gia đang phát triển hiện nay trong thương mại giữa các nước BRICS. Nhân dân tệ và đồng rúp đang chiếm hơn một nửa kim ngạch thương mại Trung-Nga; Nga chấp nhận đồng rupee của Ấn Độ cho các khoản thành toán dầu mỏ mà họ vận chuyển đến Ấn Độ; Brazil giao dịch bằng đồng nhân dân tệ với Trung Quốc... Mặc dù các giao dịch này có giá trị là không có sự can thiệp của nước thứ ba, nhưng chúng có thể và phải chịu chi phí do các vấn đề về khả năng chuyển đổi của một số loại tiền tệ, cũng như việc sử dụng hạn chế bên ngoài quốc gia phát hành và sự bất ổn của tỷ giá hối đoái. Đây là những vấn đề cần được giải quyết. Mặc dù đồng tiền BRICS vẫn còn một chặng đường dài, nhưng sẽ có ý nghĩa hơn nếu làm việc để cải thiện hệ thống thanh toán và thanh toán quốc tế trong nhóm.
Mặt khác, BRICS thường được so sánh với G7. Tuy nhiên, hai nhóm về cơ bản khác nhau về tham vọng, cấu trúc và sự phát triển. G7 đồng nhất về chính trị, kinh tế và ý thức hệ, trong khi BRICS giàu sự đa dạng về mọi mặt; G7 về cơ bản được Mỹ lãnh đạo trong khi trong BRICS sức nặng kinh tế của Trung Quốc không chuyển thành sự thống trị của Bắc Kinh. G7 theo chủ nghĩa toàn cầu theo nghĩa tìm cách áp đặt các mô hình và đạo đức của mình lên phần còn lại của thế giới, và các nước BRICS hoàn toàn tập trung vào chủ quyền quốc gia của họ. Đồng thời, G7 rõ ràng là độc quyền, với phương Tây ngồi trên phần còn lại, trong khi BRICS thì ngược lại: Nó bao gồm sự đa dạng của các nền văn minh và văn hóa khác nhau.
Có thể thấy, thông qua Hội nghị Thượng đỉnh tại Nam Phi vừa qua, các nhà lãnh đạo BRICS đang muốn đưa ra thông điệp: Đã đến lúc các quốc gia thuộc khối Nam bán cầu, cần có được tiếng nói của mình trong các vấn đề toàn cầu. BRICS đang thực sự bước vào một giai đoạn mới trong nỗ lực xây dựng “thế giới công bằng, hòa nhập và thịnh vượng”.