Kể từ khi Hy Lạp triển khai kế hoạch tiêm phòng COVID-19 cùng với các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 12/2020, đến nay, hơn 75.000 nhân viên y tế và người sinh sống trong các trại dưỡng lão ở nước này đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 do hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) phối hợp bào chế. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đặt mục tiêu sẽ tiêm phòng COVID-19 cho 2 triệu người vào tháng 3 tới trong tổng số khoảng 11 triệu dân của nước này.
Chiến dịch tiêm phòng được tiến hành trong bối cảnh Hy Lạp đã áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc từ tháng 11/2020 và dự kiến sẽ nới lỏng một số biện pháp hạn chế phong tỏa từ ngày 18/1 tới, trong đó cho phép các cửa hàng bán đồ không thiết yếu được hoạt động trở lại do áp lực đối với hệ thống y tế của nước này đã giảm bớt. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 2/2020, đến nay Hy Lạp đã ghi nhận tổng cộng 147.860 ca mắc COVID-19, khiến 5.421 người tử vong.
Cùng ngày, Sebia đã trở thành một trong những nước đầu tiên ở châu Âu tiếp nhận vaccine phòng COVID-19 do hãng Sinopharm của Trung Quốc sản xuất khi lô hàng chở 1 triệu liều vaccine của hãng này đã tới sân bay Belgrade. Như vậy, sau vaccine của Pfizer/BioNTech và vaccine Sputnik V của Nga, vaccine của hãng Sinopharm là vaccine thứ 3 được quốc gia vùng Balkan này sử dụng. Theo quan chức y tế Serbia, việc tiêm phòng vaccine của Sinopharm có thể được bắt đầu vào ngày 17/1 hay 18/1.
Cho đến nay, khoảng 20.500 người ở Serbia, gồm những người sinh sống trong các trại dưỡng lão và nhân viên trong ngành y tế, đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Serbia có gần 370.000 người mắc COVID-19 và 3.700 người trong số này đã tử vong.
Tại Pakistan, Bộ trưởng Y tế nước này Faisal Sultan thông báo đã cấp phép sử dụng cho vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên và đó là sản phẩm của hãng dược Astrazeneca. Cũng theo người đứng đầu ngành y tế Pakistan, hiện nước này đang trong tiến trình thảo luận mua vaccine của một số hãng sản xuất khác.