Người dân tuần hành phản đối thỏa thuận về việc đổi tên nước Macedonia tại Pella, Hy Lạp ngày 6/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cảnh sát địa phương cho biết trong ngày 24/6, khoảng 4.000 người biểu tình đã tuần hành hướng về văn phòng của các đảng trong liên minh cầm quyền của Hy Lạp là Syriza và Anel và gây ra tình trạng mất trật tự trị an. Cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình.
Trước đó, ngày 17/6, Hy Lạp và Macedonia đã ký thỏa thuận lịch sử giữa hai nước về việc đổi tên Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài gần 3 thập kỷ qua giữa hai nước láng giềng liên quan đến tên gọi chính thức của Macedonia.
Theo thỏa thuận này, Macedonia (lâu nay được chính thức biết đến với tên gọi là CH Nam Tư cũ Macedonia - FYROM) sẽ đổi tên thành CH Bắc Macedonia, đồng thời Hy Lạp sẽ ngừng phản đối nước láng giềng phía Bắc này gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, thỏa thuận đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của những phe phái theo đường lối cứng rắn ở cả hai nước do đều cùng cho rằng thỏa thuận là một sự nhượng bộ quá mức đối với mỗi bên.
Ngày 19/6, Quốc hội Macedonia đã thông qua thỏa thuận trên, mở đường cho việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trong tương lai về vấn đề này. Để có hiệu lực, thỏa thuận này cũng phải được Quốc hội Hy Lạp thông qua.
Tranh cãi giữa Hy Lạp và Macedonia bùng phát vào năm 1991 khi Macedonia tuyên bố độc lập và gia nhập Liên hợp quốc (LHQ) với tên gọi là FYROM. Tuy nhiên, Hy Lạp - một thành viên của EU và NATO, đã ngăn cản tiến trình gia nhập của Macedonia xuất phát từ tranh cãi liên quan tên gọi Macedonia trùng với một tỉnh miền Bắc Hy Lạp.
Athens lo ngại sự trùng hợp này có thể dẫn đến tranh chấp về lãnh thổ với quốc gia láng giềng, cho rằng việc sử dụng tên gọi của quốc gia láng giềng là Macedonia đồng nghĩa với việc Skopje có yêu sách lãnh thổ với vùng đất cùng tên gọi nằm ở phía Bắc Hy Lạp, nơi có 2 thành phố Thessaloniki và Kavala. Athens coi vùng đất này là di sản văn hóa tôn nghiêm. Vì vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Bucharest (Romania) năm 2008, Hy Lạp đã bỏ phiếu phủ quyết đơn xin gia nhập NATO của Macedonia, đồng thời yêu cầu giải quyết vấn đề tranh cãi này.