Trong khoảng một năm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ tháng 3 năm ngoái đã xảy ra gần 3.800 vụ kỳ thị nhằm vào người nhập cư gốc Á, một phần do quan niệm rằng virus SARS-CoV-2 xuất phát từ châu Á. Các hình thức kỳ thị từ lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến tới các hành động vi phạm quyền công dân. Năm ngoái, các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á đã tăng gần 150% ở 16 thành phố lớn của Mỹ, đặc biệt là ở Los Angeles và New York, những nơi có đông người gốc Á sinh sống.
Thực trạng đáng quan ngại này khiến Tổng thống Joe Biden phải kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật về tội ác thù hận trong đại dịch COVID-19 để thúc đẩy phản ứng của chính phủ liên bang đối với sự gia tăng nạn kỳ thị, phân biệt nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á. Ngay trong tuần đầu tiên tại nhiệm, Tổng thống Biden cũng đã ký bản ghi nhớ lên án và chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài ngoại và không khoan dung chống lại người Mỹ gốc Á, cũng như người dân các đảo Thái Bình Dương ở Mỹ.
Các cuộc biểu tình chống nạn kỳ thị người gốc Á bắt đầu bùng lên từ đầu tháng 3, với những khẩu hiệu “Stop Asian Hate” (ngừng hận thù đối với người châu Á) gợi lại nước Mỹ giữa năm ngoái, khi làn sóng tuần hành hưởng ứng phong trào “Black Lives Matter” (Quyền được sống của người da màu) lan rộng
Cái chết của người đàn ông da màu George Floyd vì bị một viên cảnh sát da trắng ghì cổ đến chết hồi năm ngoái từng thổi bùng cơn giận giữ của cộng đồng người Mỹ gốc Phi, đồng thời "đổ thêm dầu" vào ngọn lửa biểu tình trên khắp nước Mỹ và lan ra nhiều nơi trên thế giới. Sau các vụ kỳ thị nhằm vào người gốc Á gần đây, dư luận Mỹ một lần nữa lại đặt câu hỏi, phải chăng vấn nạn phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ đã trở thành một loại virus không có vaccine khống chế.
Số lượng các thông điệp về chủ nghĩa da trắng thượng đẳng ở Mỹ, trong đó có các tin nhắn phân biệt chủng tộc, đã tăng gần gấp đôi lên mức kỷ lục, từ 2.724 trường hợp của năm 2019 lên 5.125 trường hợp năm ngoái. Những con số này đã phản ánh một thực trạng rằng chủ nghĩa da trắng thượng đẳng vẫn chưa thể bị xóa bỏ ở đất nước đã từng có một vị tổng thống da màu và nay có một nữ phó tổng thống là người gốc Á. “Giấc mơ” của mục sư Luther King về một xã hội công bằng và mọi người đều được đối xử bình đẳng “ở đó những đứa trẻ da màu và những đứa trẻ da trắng cùng nắm tay như anh em một nhà” trong bài diễn thuyết nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ” năm 1963 dường như vẫn còn xa vời.
Phân biệt, kỳ thị chủng tộc không phải là vấn đề riêng của nước Mỹ. Tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bảo vệ các nhóm sắc tộc thiểu số trước nạn kỳ thị và phân biệt chủng tộc. Tâm lý chống người nhập cư, bài Do Thái, kỳ thị các cộng đồng thiểu số như người Digan khá phổ biến ở châu Âu. Theo báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), cho đến nay, trẻ em Digan vẫn bị phân biệt đối xử tại các trường học ở một số nước Trung và Đông Âu, trong đó có Hungary, nơi người Digan là nhóm sắc tộc thiểu số đông nhất, chiếm 7% trong tổng số 9,7 triệu dân nước này.
Phân biệt chủng tộc cũng là vấn đề tồn tại nhiều năm ở Brazil, quốc gia đa sắc tộc Hiện người da màu chiếm tới 56% dân số Brazil, song mức thu nhập trung bình của họ chỉ bằng một nửa so với người da trắng, tuổi thọ trung bình thấp hơn và theo các nhà hoạt động, những người này đang phải đối mặt với sự phân biệt nghiêm trọng.
Trở thành người giúp việc cho một gia đình da trắng từ khi 10 tuổi, Creuza Oliveira bị đánh đập và mắng nhiếc mỗi khi mắc lỗi, thậm chí bị chính những người đàn ông nhà chủ lạm dụng cả về thể chất lẫn tinh thần cũng như tình dục. Trên hết là Oliveira không được trả lương, không có ngày nghỉ, không có bất kỳ quyền cơ bản nào của người lao động, thay vào đó em chỉ nhận được quần áo cũ và những phần cơm thừa canh cặn nhà chủ thải ra. Nguyên nhân vì em là người da màu và sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo không được học hành đầy đủ.
Mong muốn thoát khỏi cuộc sống không khác gì nô lệ và khát vọng được sống, làm việc trong sự bình đẳng, công bằng đã thúc đẩy Oliveira tham gia các hoạt động đấu tranh cho quyền lợi của người giúp việc cũng như người da màu. Từ một phụ nữ trẻ từng trải qua nhiều đau khổ và thiếu tự tin, Oliveira đã trở thành Chủ tịch Liên đoàn Quốc gia về người giúp việc Brazil ở tuổi 46 và nhà hoạt động trong Phong trào Người da màu thống nhất, Phong trào vì phụ nữ.
Ngày Quốc tế xóa bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc 21/3 năm nay, Liên hợp quốc (LHQ) chọn chủ đề “Thanh niên đứng lên chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc” nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy tinh thần đi đầu của những người trẻ trong cuộc chiến chống lại vấn nạn này. Với tư cách là những người quyết định tương lai toàn cầu, thanh niên đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các cuộc tuần hành hưởng ứng phong trào “Black Lives Matter”. Còn trên mạng xã hội, những người trẻ tuổi đã huy động sự tham gia, kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp cùng lên tiếng và đứng lên bảo vệ quyền bình đẳng của tất cả mọi người, lan tỏa những thông điệp mạnh mẽ, tích cực.
Nữ ca sĩ - nhạc sĩ người Mỹ Gabriella Sarmiento Wilson, sinh năm 1997, đã sáng tác ca khúc "I Can't Breath" (Tôi không thể thở được), dựa vào câu nói cuối cùng của người đàn ông da màu George Floyd trước khi qua đời và đây cũng là lời sau cuối của Eric Garner - người đã tử vong năm 2014 dưới tay cảnh sát New York. Những ca từ của "I Can't Breathe" đã truyền tải tới công chúng thông điệp kêu gọi hòa bình và chống phân biệt chủng tộc. Ca khúc đã được tôn vinh ở hạng mục "Bài hát của năm" trong lễ trao giải Grammy 2021 vừa qua.
Để xây dựng một thế giới công bằng và bình đẳng, không phân biệt màu da và tôn giáo, cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc luôn là chủ đề trọng tâm trong các chương trình nghị sự quốc tế, cũng như các chương trình hành động vì con người. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở sự thừa nhận về hậu quả của nạn phân biệt chủng tộc là chưa đủ, thế giới cần có công cụ và khả năng chống lại loại “virus” nguy hiểm này ở bất cứ nơi nào nó xảy ra, dù dưới bất kỳ hình thức nào. Và hành động của những người trẻ tuổi có ý nghĩa hết sức quan trọng.
LHQ kêu gọi thanh niên tiên phong đứng lên thúc đẩy văn hóa toàn cầu về lòng khoan dung, bình đẳng và chống phân biệt đối xử, cũng như chống định kiến về chủng tộc và thái độ không khoan dung. Những hành động thiết thực, mạnh mẽ của thế hệ trẻ chống phân biệt chủng tộc sẽ góp phần định hình thế giới trong tương lai, nơi nguyên tắc về sự bình đẳng và phẩm giá vốn có của con người được tôn trọng.