Trong báo cáo hằng tháng mới nhất, IEA cho biết: "Dịch COVID-19 đã phủ một bóng đen dài lên nhu cầu dầu mỏ". IEA ước tính lượng cầu trong năm 2020 sẽ giảm 8,1 triệu thùng/ngày, xuống còn 91,9 triệu thùng/ngày.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng, IEA dự báo giảm về lượng cầu. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng nhu cầu sẽ tăng trở lại vào năm sau, lên mức 97,1 triệu thùng/ngày, dù mức này thấp hơn so với dự báo trước vì "lĩnh vực hàng không có thể sẽ phải mất nhiều năm để phục hồi".
Báo cáo nêu rõ: "Đến tháng 12/2021, tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ vẫn thấp hơn 2% so với cuối năm 2019".
Theo IEA, các lĩnh vực vận tải hàng không và đường bộ, vốn là đối tượng tiêu thụ dầu chính, sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Vận tải đường bộ bị tác động "khi mọi người giảm các chuyến đi không cần thiết, và quy định làm việc từ xa vẫn được áp dụng ở nhiều nước phương Tây".
Vì các nước vẫn đóng cửa biên giới và áp dụng kiểm tra y tế nghiêm ngặt đối với khách nhập cảnh, "các chuyến đi không quan trọng sẽ rất hạn chế, khiến vận tải hàng không thấp hơn mức bình thường". Điều này dẫn tới thực tế là nhu cầu dầu cho máy bay "đã tồi tệ hơn trong nhiều tuần gần đây, khi dịch tiếp tục lan rộng".
Dù hoạt động đi lại trong nước được khôi phục ở Trung Quốc và Mỹ, và số chuyến bay giữa các nước châu Âu tăng trở lại, IEA ước tính "giao thông toàn cầu trong tháng 7 giảm khoảng 2/3 so với mức trung bình".
Trước đó, hoạt động giao thông giảm 75% trong tháng 6 và giảm 79% trong tháng 5.
IEA cho biết mùa hè ở Bắc Bán cầu thường là mùa cao điểm của vận tải hàng không, nhưng tình trạng "ế ẩm" trong năm nay cho thấy nhu cầu có thể vẫn kém trong một thời gian nữa. Báo cáo nêu rõ: "Ngành kinh doanh du lịch sẽ vẫn giảm sút nghiêm trọng trên toàn cầu cho đến khi có vaccine phòng COVID-19, trong khi hoạt động du lịch nghỉ dưỡng chỉ giới hạn ở các chuyến đi trong nước và các hành trình ngắn".