Cụ thể, trong báo cáo thị trường dầu hằng tháng, IEA cho biết nhu cầu tăng 800.000 thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm 2024, từ mức 2,3 triệu thùng/ngày ghi nhận cùng kỳ năm 2023. IEA đã giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 xuống 900.000 thùng/ngày, tức thấp hơn khoảng 70.000 thùng/ngày so với dự báo trước và dự báo tổng nhu cầu dầu toàn cầu là gần 103 triệu thùng/ngày.
Theo IEA, nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm này là do nhu cầu tại Trung Quốc đang chậm lại nhanh chóng. Trong tháng 7, mức tiêu thụ dầu tại nền kinh tế thứ 2 thế giới giảm so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu xu hướng này kéo dài sang tháng thứ 4 liên tiếp. Trung Quốc là một trong những nước tiêu dùng và nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới nhưng nền kinh tế này đang phải đối mặt với tình trạng chi tiêu tiêu dùng yếu, khủng hoảng bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Ngoài ra, IEA cho rằng việc Trung Quốc chuyển từ dầu mỏ sang sử dụng năng lượng thay thế cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm kể trên. Theo đó, doanh số bán xe điện ngày càng tăng đang làm giảm nhu cầu về nhiên liệu đường bộ trong khi việc phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc rộng lớn cũng hạn chế tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu của ngành hàng không nội địa.
Báo cáo của IEA chỉ ra nếu không tính Trung Quốc, nhu cầu dầu tại các nước khác trên thế giới đang tăng nhẹ hoặc giảm. Xu hướng hiện tại củng cố dự báo của IEA rằng nhu cầu toàn cầu sẽ ổn định vào cuối thập niên này. IEA giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu năm 2025 không thay đổi, ở mức khoảng 950.000 thùng/ngày.
Giá dầu đã suy yếu trong năm nay do lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu. Tuần này, dầu thô Brent Biển Bắc, tiêu chuẩn quốc tế, lần đầu tiên giảm xuống dưới 70 USD/thùng kể từ tháng 12/2021. Giá giảm đã khiến các thành viên hàng đầu của liên minh dầu mỏ OPEC+, gồm các thành viên sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ trong và ngoài tổ chức OPEC trong đó có cả Saudi Arabia và Nga, hoãn kế hoạch tăng sản lượng và thay vào đó gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện cho đến cuối tháng 11.
Theo IEA, quyết định này giúp OPEC+ có "thời gian để đánh giá thêm triển vọng nhu cầu trong năm tới" cũng như tác động của tình trạng gián đoạn sản xuất ở Libya. Tuy nhiên, khi nguồn cung từ các quốc gia ngoài OPEC+ tăng nhanh hơn nhu cầu chung, nhóm có thể đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa đáng kể, ngay cả khi vẫn duy trì các biện pháp hạn chế bổ sung.