Trong báo cáo công bố ngày 18/6, IMF nêu rõ việc áp chung một mức giá sàn cho carbon đang được coi là một công cụ chính sách quan trọng nhất nhằm đạt được mục tiêu cắt giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính để có thể kiềm chế nhiệt độ của Trái Đất tăng 2 độ C đến năm 2050. Tuy nhiên, hiện 80% số khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn chưa được định giá và giá carbon toàn cầu trung bình chỉ ở mức 3 USD/tấn, thấp hơn mức cần thiết để khuyến khích việc sử dụng năng lượng hiệu quả và đổi mới hướng tới các công nghệ xanh.
Báo cáo của IMF đã đưa ra các mô hình khác nhau, đồng thời cho rằng các mức giá sàn carbon chia theo 3 cấp gồm 75 USD, 50 USD và 25 USD/tấn được áp dụng lần lượt đối với các nước phát triển, các nước có thu nhập cao và các nước có thu nhập thấp có thể giúp đạt mục tiêu giảm 23% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Theo IMF, kế hoạch này có thể áp dụng trước tiên ở Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), sau đó mở rộng sang các nước khác. Mục tiêu ban đầu là hiện thực hóa mục tiêu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu về việc giảm lượng khí phát thải từ 25-50% vào cuối thập kỷ này.
Ông Victor Gaspar, Giám đốc Tài chính của IMF, và ông Ian Parry, đồng tác giả báo cáo trên, khẳng định việc các nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới hành động đồng thời nhằm nâng giá carbon vừa có thể là hành động tập thể chống biến đổi khí hậu vừa giúp giải quyết các quan ngại về cạnh tranh.