IMF kêu gọi chính phủ các nước Trung Đông hành động trước nguy cơ suy thoái

Ngày 24/3, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi chính phủ các nước Trung Đông hành động quyết liệt trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đe dọa nguồn thu từ dầu mỏ cũng như khiến tăng trưởng kinh tế đi xuống.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC, Mỹ, ngày 4/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong một thông báo, ông Jihad Azour, Giám đốc khu vực Trung Đông và Trung Á của IMF, cho biết Trung Đông có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng kinh tế giảm mạnh trong năm nay. Theo ông, đại dịch COVID-19 đã trở thành "thách thức ngắn hạn lớn nhất" đối với khu vực khi nó làm chao đảo nền kinh tế qua hàng loạt cú sốc như nhu cầu trong và ngoài khu vực sụt giảm, thương mại đi xuống, sản xuất bị gián đoạn, niềm tin tiêu dùng sụt giảm và các điều kiện tài chính thắt chặt. Ông cho biết COVID-19 đã gây tổn hại tới những ngành nghề vốn là những nguồn tuyển dụng chính như du lịch, khách sạn và bán lẻ, với hệ quả là tình trạng thất nghiệp gia tăng trong khi tiền lương đi xuống. Do đó, IMF hối thúc chính phủ các nước trong khu vực nhanh chóng đưa ra các gói cứu trợ nhằm ứng phó với một cuộc suy thoái kéo dài.

Trước đó một ngày, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể gây suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2020, với mức độ có thể nghiêm trọng hơn cuộc suy thoái do khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng đối với khu vực Trung Đông do giá dầu dao động, tình hình bất ổn và các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.

Trong khi đó, tại châu Âu, một cuộc khảo sát do hãng IHS Markit công bố ngày 24/3 cho thấy tình hình kinh doanh bết bát ở Khu vực Sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khi đại dịch COVID-19 hoành hành trên khắp châu Âu và thế giới, khiến hàng loạt cửa hàng, nhà hàng và văn phòng phải đóng cửa.

Cụ thể, chỉ số quản lý sản xuất (PMI) của Eurozone, một thước đó đánh giá thể trạng nền kinh tế, đã lao dốc từ 51,6 điểm trong tháng 2 xuống mức thấp kỷ lục 31,4 điểm trong tháng này. Chỉ số này trên mức 50 điểm đồng nghĩa với tăng trưởng và ngược lại. Tình hình kinh doanh trì trệ được ghi nhận ở Pháp, Đức cũng như các nước còn lại trong Eurozone khi chính phủ cac nước áp dụng các biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Nhà kinh tế trưởng của IHS Markit Cris Williamson cho biết kết quả khảo sát chỉ số PMI nói trên cho thấy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ lao dốc khoảng 2% và nguy cơ suy thoái tăng cao. Đặc biệt, tình hình kinh doanh trong ngành dịch vụ của Eurozone suy giảm khi chỉ số PMI giảm từ 52,6 điểm xuống còn 28,4 điểm, mức giảm mạnh nhất trong hơn 2 thập kỷ qua kể từ khi IHS Markit thực hiện khảo sát.                   

Phương Oanh (TTXVN)
IMF: Kinh tế toàn cầu suy thoái 'khốc liệt' hơn năm 2009 do dịch COVID-19
IMF: Kinh tế toàn cầu suy thoái 'khốc liệt' hơn năm 2009 do dịch COVID-19

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 23/3 cho biết, kinh tế thế giới đang chứng kiến những thiệt hại “khốc liệt” do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, đồng thời cảnh báo kinh tế toàn cầu có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng âm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN