Theo hãng tin Reuters (Anh), vài ngày sau động thái trên, Myanmar đã xảy ra bất ổn chính trị, quân đội Myanmar đã bắt giữ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức.
Các nguồn thạo tin và các chuyên gia tài chính quốc tế nhận định IMF dường như có rất ít khả năng có thể thu hồi khoản tiền này. Đây là một phần của chương trình viện trợ COVID-19 được giải ngân nhanh chóng mà hầu như không có điều kiện, đã được hội đồng IMF phê duyệt hôm 13/1.
“Chúng tôi đang theo dõi sát sao những diễn biến đang diễn ra. Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tác động của sự việc này đối với nền kinh tế và người dân Myanmar”, một phát ngôn viên của IMF cho biết trong một tuyên bố hôm 2/2. Người này cũng xác nhận khoản viện trợ 350 triệu USD cho Myanmar đã được hoàn tất vào tuần trước.
Trong tuyên bố vào ngày 13/1, IMF cho biết số tiền viện trợ nhằm giúp Myanmar đáp ứng "nhu cầu về cán cân thanh toán khẩn cấp phát sinh do đại dịch COVID-19, đặc biệt là các biện pháp phục hồi của chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính đồng thời hỗ trợ các ngành kinh tế bị ảnh hưởng và các nhóm dễ bị tổn thương".
Không giống các chương trình tài trợ thông thường của IMF, giải ngân tài chính vốn đi kèm các tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả sử dụng, viện trợ khẩn cấp do đại dịch COVID-19 thường được giải ngân nhanh chóng, thường cùng một lúc và không có cách nào rút lại.
“Đây không phải là một chương trình được thương lượng giữa các bên, nó không có điều kiện và không có đánh giá tương lai trong đó các khoản tiền mới chỉ được giải ngân dựa vào các đánh giá cũ. Tôi chưa thấy lần nào IMF phê duyệt khẩn cấp mà thu hồi tiền lại được", Stephanie Segal, nhà kinh tế từng làm việc tại IMF và quan chức Bộ Tài chính Mỹ, hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói.
Kể từ đầu cuộc khủng hoảng COVID-19 vào năm 2020, IMF đã viện trợ tài chính khẩn cấp cho 80 quốc gia.
Hai nguồn tin quen thuộc với các khoản viện trợ cho biết thời điểm giải ngân cho Myanmar là không thuận lợi. Kịch bản tốt nhất là chính quyền Myanmar sẽ chi tiêu tiền đúng mục đích vì họ muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với IMF. Đối tác của IMF tại Myanmar là Ngân hàng Trung ương Myanmar. Nguồn tin bày tỏ hy vọng họ có thể độc lập với Bộ tài chính của nước này.
Tuy nhiên, hôm 2/2, quân đội Myanmar cầm quyền đã bổ nhiệm ông Than Nyein làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương mới của đất nước, phục hồi ông vào vị trí mà ông từng đảm nhiệm từ năm 2007 đến năm 2013, trong thời gian cuối cùng cầm quyền của quân đội.
Ngân hàng Thế giới đã viện trợ hơn 150 triệu USD cho Myanmar kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây một năm.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng quốc tế đầu tiên trong chưa đầy 2 tuần lên nắm quyền. Ông đã cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố sẽ cân nhắc dừng viện trợ nước ngoài cho quốc gia Đông Nam Á này.
Mỹ là cổ đông chi phối trong IMF, đã viện trợ khẩn cấp cho Myanmar 700 triệu USD trong 7 tháng vừa qua để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Khoản tiền này bao gồm cả 350 triệu USD, trong đó có 116,6 triệu USD thông qua Quỹ tín dụng nhanh của IMF và 233,4 triệu USD thông qua chương trình Tài trợ nhanh của IMF.