Tổng Giám đốc IMF bày tỏ sự hào hứng với thỏa thuận nói trên, đồng thời kêu gọi các nước khác tham gia thỏa thuận này. Trong khi đó, phát biểu cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: "Ngày hôm nay đánh dấu một bước đi quan trọng trong việc hướng nền kinh tế toàn cầu trở nên công bằng hơn cho người lao động và các gia đình ở tầng lớp trung lưu”. Ông Biden nhấn mạnh rằng việc ban hành một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia “giấu lợi nhuận” ở những nơi đánh thuế thấp.
Lưu ý rằng các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia vào thỏa thuận nói trên chiếm hơn 90% nền kinh tế thế giới, ông Biden cho rằng các nước đang gần đạt được một thỏa thuận toàn diện trên khắp thế giới để chấm dứt cuộc đua “xuống đáy” đối với thuế doanh nghiệp.
Đức hoan nghênh đây là “một bước khi lớn hướng đến sự công bằng về thuế”, trong khi Pháp cho rằng thỏa thuận trên là “thỏa thuận về thuế quan trọng nhất trong 100 năm qua”.
Về phía mình, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nhận định việc 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, bao gồm toàn bộ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), tham gia vào thỏa thuận nói trên, đánh dấu một bước tiến mới trong sứ mệnh cải cách thuế toàn cầu.
Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong danh sách 130 thành viên của OECD thể hiện sự đồng thuận. Trong khi đó, một số quốc gia áp dụng mức thuế doanh nghiệp thấp hơn để thu hút đầu tư như Ireland và Hungary đã phản đối.
Mức thuế tối thiểu được thống nhất đưa ra là ít nhất 15%, một ý tưởng đã được thúc đẩy bởi chính quyền Tổng thống Mỹ Biden. Theo OECD, các bên tham gia đàm phán sẽ tiếp tục hoàn thiện các chi tiết về kế hoạch cải cách thuế vào tháng 10 tới, hướng tới mục tiêu hoàn thiện vào năm 2023.