Theo quy định sửa đổi vừa được Tổng thống Joko Widodo ký ban hành, những người đủ điều kiện tiêm vaccine song từ chối tiêm chủng có thể bị phạt tiền, bị ngừng hoặc cắt giảm các khoản trợ cấp xã hội, cũng như không được tiếp cận các dịch vụ công. Quy định mới được ban hành cho phép các bộ, ban ngành chính phủ, chính quyền tỉnh và thành phố thực thi các biện pháp xử phạt hành chính. Quy định này cũng cho phép chính quyền các địa phương ban hành các mức hình phạt cụ thể.
Ngày 16/2, người phát ngôn Bộ Y tế Siti Nadia Tarmizi nhấn mạnh “mọi quốc gia đều có quyền ban hành các quy định thuộc thẩm quyền của mình”, song không xác nhận liệu Indonesia có phải là quốc gia đầu tiên bắt buộc tiêm chủng hay không.
Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người, chiếm 2/3 trong tổng số hơn 270 triệu dân, trong vòng 15 tháng nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng. Quốc gia này đã bắt đầu tiêm chủng cho các nhân viên y tế vào ngày 13/1 vừa qua và dự kiến chủng ngừa cho các công chức cùng các nhóm đối tượng có nguy cơ khác, trong đó có những người bán hàng rong và tài xế xe buýt, từ ngày 17/2.
Trong khi đó, Chính phủ Indonesia cũng sẽ cho phép khu vực tư nhân tham gia tiêm chủng bằng các loại vaccine tự chi trả - một sự thay đổi lớn so với kế hoạch cung cấp vaccine miễn phí cho tất cả người dân trước đó. Chương trình tiêm chủng tư nhân này dự kiến sẽ tập trung cho hàng triệu công nhân trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như công nghiệp ôtô và dệt may.
Chương trình tiêm chủng tư nhân sẽ phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó có việc đảm bảo công ty dược phẩm nhà nước Bio Farma là nhà phân phối độc quyền và cấm các công ty cạnh tranh với chính phủ trong việc mua sắm vaccine của nước ngoài. Ngoài ra, các công ty tư nhân phải sử dụng các loại vaccine khác với những loại được sử dụng trong chương trình tiêm chủng miễn phí, cũng như không được phép triển khai tại bất kỳ cơ sở y tế nhà nước nào ngay cả khi tham gia chương trình tiêm vaccine miễn phí do chính phủ điều hành.
Hiện Indonesia vẫn phụ thuộc vào nguồn cung vaccine do hãng dược phẩm Sinovac của Trung Quốc cung cấp. Dự kiến, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này sẽ bắt đầu nhận được các loại vaccine khác cho chương trình tiêm vaccine miễn phí vào cuối tháng này.
Theo Bộ Y tế Indonesia, các loại vaccine có thể được chương trình tiêm chủng tư nhân sử dụng bao gồm Sinopharm và Anhui (Trung Quốc), Moderna (Mỹ), Sputnik V (Nga), và Johnson & Johnson (Mỹ).
* Tại Hàn Quốc, Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dược phẩm (MFDS) ngày 17/2 đã thông qua lần cuối cho phép sử dụng lô vaccine ngừa COVID-19 gồm 1,57 triệu liều AstraZeneca (Anh) mà dự kiến nước này sẽ nhận được vào tuần tới.
Theo lịch trình, Hàn Quốc sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 26/2 tới, sử dụng vaccine của AstraZeneca cho đội ngũ nhân viên y tế và bệnh nhân trong các nhà dưỡng lão, song chưa áp dụng cho những người trên 65 tuổi. Trước đó, khi cấp phép cho vaccine AstraZeneca, MFDS đã khuyến cáo "phải quyết định thận trọng khi sử dụng cho người trên 65 tuổi".