Phát biểu tại lễ phát động ở một trường tiểu học ở thủ đô Jakarta, Thứ trưởng Y tế Dante Saksono Harbuwono cho biết chương trình đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 26,5 triệu trẻ em trên khắp cả nước. Ngoài trường học này, chương trình cũng được khởi động tại thành phố Depok thuộc tỉnh Tây Java, và thành phố Nam Tangerang thuộc tỉnh Banten cho tổng cộng gần 1.200 học sinh từ 6-11 tuổi.
Thứ trưởng Dante cho hay chương trình này sẽ được tiến hành theo từng giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tại các địa phương có tỷ lệ bao phủ vaccine mũi thứ nhất đạt 70% và tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi đạt 60%. Theo Bộ Y tế Indonesia, tính đến nay đã có 115 huyện/thành phố thuộc 19 trong tổng số 34 tỉnh trên khắp cả nước với khoảng 8,9 triệu trẻ em hội đủ các điều kiện trên.
Cũng theo Thứ trưởng Dante, việc triển khai tiêm chủng cho trẻ em dựa trên khuyến nghị ngày 9/12 của Nhóm tư vấn kỹ thuật tiêm chủng Indonesia (ITAGI), cũng như chỉ thị ngày 13/12 của Bộ trưởng Y tế. Chương trình sử dụng vaccine Sinovac được Cơ quan kiểm soát thực phẩm và dược phẩm quốc gia (BPOM) cấp phép sử dụng khẩn cấp. Các loại vaccine khác cũng sẽ được sử dụng khi được BPOM phê duyệt.
Ông Dante cho biết thêm rằng, trước khi được tiêm vaccine, trẻ em sẽ được kiểm tra sức khỏe. Khoảng cách giữa liều tiêm thứ nhất và liều tiêm thứ hai là 28 ngày theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất Sinovac. Tổng cộng 58,7 triệu liều vaccine sẽ được sử dụng cho chương trình. Hiện Bộ Y tế đã chuẩn bị 6,4 triệu liều cho tháng 12/2021 và các kho dự trữ vaccine sẽ được bổ sung vào tháng 1/2022.
Theo Thứ trưởng Dante, vaccine Sinovac ít có nguy cơ gây tác dụng phụ sau tiêm chủng nên có thể sử dụng cho trẻ em. Một số nước cũng đang tiến hành tiêm chủng cho trẻ em bằng các loại vaccine khác nhau và dự kiến Indonesia cũng sẽ sử dụng các loại vaccine này cho chương trình của mình.