Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ Indonesia đánh giá quốc gia này đang đối diện nguy cơ khủng hoảng lương thực, đặc biệt từ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động canh tác của người dân và ngưng trệ nguồn cung lương thực trong nước.
Bộ trưởng Hartarto nhấn mạnh trước nguy cơ trên, một trong những nỗ lực của Chính phủ Indonesia là mở rộng diện tích canh tác lúa thông qua hiện thực hóa chương trình biến diện tích đất than bùn tại đảo Kalimantan thành đất trồng lúa. Mục tiêu đặt ra trước đây là chuyển đổi khoảng 900.000 héc-ta đất than bùn thành đất nông nghiệp, và hiện Chính phủ Indonesia Indonesia đã nâng mục tiêu này lên 1,4 triệu héc-ta.
Cũng theo Bộ trưởng Hartarto, Chính phủ Indonesia đã tính toán rất kỹ lưỡng khi xây dựng kế hoạch này, vì khoảng gần 90.000 héc-ta trong tổng số 1,4 triệu héc-ta đất than bùn nói trên hiện đã có sẵn các hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu. Công việc còn lại là tiếp tục cải tạo và đầu tư xây dưng hạ tầng cơ sở để biến đất than bùn thành đất canh tác lúa.
Các vùng đất đủ điều kiện để cải tạo, chuyển đổi chủ yếu nằm ở khu vực các quận Pulang Pisau, Kapuas và South Barito trên đảo Kalimantan. Lớp than bùn nằm sâu dưới mặt đất khoảng hơn 50cm nên sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng, đặc biết là lúa.
Chương trình mở rộng diện tích đất nông nghiệp từ đất than bùn tại Trung Kalimantan đã được Indonesia triển khai từ rất sớm nhưng chưa đạt được thành công do chưa có các biện pháp hiệu quả để khắc phục nguy cơ xảy ra các vụ cháy than bùn trên những diện tích đất cải tạo này.
Cải cách nông nghiệp là một trong những chương trình ưu tiên quốc gia được thúc đẩy trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Joko Widodo nhằm phát triển đồng đều và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Dự án này gồm các chương trình xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn, cải thiện an ninh lương thực và hiệu quả khai thác đất, công nhận quyền sở hữu đất đai của các cá nhân, nhà nước và cộng đồng.