Sau 6 tháng kể từ khi phát động chương trình tiêm chủng toàn quốc miễn phí ngừa COVID-19 với mục tiêu ban đầu tiêm vaccine cho ít nhất 181,5 triệu người, nhưng đến nay mới khoảng 10% trong tổng số hơn 270 triệu dân số Indonesia được tiêm chủng đầy đủ, tương đương 18,7 triệu người được tiêm đầy đủ hai mũi.
Trong bài đăng trên trang Twitter chính thức, Tổng thống Jokowi nhấn mạnh: "Để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, chúng ta cần tiêm chủng cho khoảng 208 triệu dân, bao gồm những người từ 12-17 tuổi". Tuyên bố của ông Jokowi được đưa ra vài giờ sau khi Indonesia ghi nhận "kỷ lục buồn" khi số ca tử vong trong ngày do COVID-19 vượt mốc 2.000 ca, lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 3 năm ngoái.
Cảnh sát Quốc gia và Quân đội Indonesia đã được huy động nhằm tăng tốc tiêm chủng với mục tiêu đạt 2 triệu liều mỗi ngày, bắt đầu từ tháng 8 tới, cấp phát thuốc cho các bệnh nhân COVID-19 đang tự cách ly tại nhà, cũng như truy vết những người tiếp xúc gần với các ca dương tính.
Indonesia chủ yếu sử dụng vaccine do hãng Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển. Hãng này cũng đã cấp giấy phép đóng gói vaccine cho công ty dược phẩm quốc doanh Bio Farma tại nhà máy ở Bandung, tỉnh Tây Java.
* Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Cơ quan quản lý y tế của Brazil (Anvisa) thông báo đình chỉ nhập khẩu và phân phối vaccine ngừa COVID-19 có tên Covaxin do hãng dược phẩm Bharat Biotech của Ấn Độ bào chế.
Anvisa cho biết quyết định "tạm thời đình chỉ việc cấp phép đặc biệt cho hoạt động nhập khẩu và phân phối vaccine Covaxin" được đưa ra sau khi hãng Bharat Biotech hồi tuần trước đã hủy bỏ thỏa thuận với đối tác Precisa của Brazil trong việc phân phối vaccine tại quốc gia Nam Mỹ này.
Anvisa tuyên bố giấy phép nhập khẩu đặc biệt đối với Covaxin được cấp vào ngày 4/6 vừa qua sẽ bị đình chỉ cho đến khi cơ quan này nhận được đầy đủ thông tin bổ sung, bao gồm các tài liệu kỹ thuật và pháp lý liên quan đến loại vaccine này.
Dựa trên giá bán của Covaxin là 15 USD/liều, các chuyên gia ước tính giá trị hợp đồng cung cấp 20 triệu mũi vaccine của Bharat Biotech với Chính phủ Brazil rơi vào khoảng 300 triệu USD.