Theo ông Ristadi, "Điều kiện của ngành công nghiệp TPT là rất quan trọng, đặc biệt đối với các nhà máy định hướng trong nước, vì thị trường trong nước ngày càng tràn ngập hàng nhập khẩu. Quần áo, dệt may và giày dép từ nước ngoài tiếp tục tràn ngập thị trường nội địa của chúng tôi".
Theo KSPN, kể từ đầu năm 2024, 13.800 công nhân trong ngành dệt may của Indonesia đã bị sa thải do đơn hàng giảm mạnh, thậm chí một số công ty còn phải ngừng hoạt động hoàn toàn. Hiện nay, chỉ có ngành dệt may định hướng xuất khẩu mới có thể tồn tại. Thực tế, số lượng công nhân dệt may phải nghỉ việc có thể khoảng 50.000 người. Các công ty muốn giữ thông tin này vì không muốn ảnh hưởng đến việc vay vốn từ các ngân hàng và uy tín đối với khách hàng.
Theo ông Ristadi, số lượng công nhân bị sa thải nhiều ở các nhà máy khu vực Tây Java và Trung Java, nơi đây là trung tâm công nghiệp sản xuất của ngành dệt may. Ông Ristadi cho rằng Quy định của Bộ trưởng Thương mại (Permendag) số 8 năm 2024, nới lỏng việc nhập khẩu hàng may mặc đã tác động tới ngành sản xuất trong nước. Các mặt hàng may mặc từ nước ngoài đã tràn ngập thị trường khiến hàng nội địa Indonesia không thể cạnh tranh về giá. Điều này đang gây ra những khó khăn đối với ngành dệt may nội địa.