Do ảnh hưởng của các đám cháy lan rộng và hướng gió thổi mạnh từ Đông Nam sang Tây Nam, khói mù đã phủ kín Pekanbaru, thủ phủ của tỉnh Riau, vào sáng 24/8. Chất lượng không khí ở Pekanbaru bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tầm nhìn giảm xuống chỉ còn 1,5 km. Người dân phải đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Lực lượng đặc nhiệm chữa cháy rừng Riau đã huy động 4 máy bay trực thăng để nỗ lực dập tắt đám cháy đang lan rộng khắp các khu vực, nhất là phía Nam của tỉnh trên đảo Sumatra. Các máy bay trực thăng ưu tiên thực hiện các vụ thả bom nước trên các quận Palalawan, Indragiri Hulu và Indragiri Hilir, điểm nóng tập trung một số vụ cháy rừng đang diễn ra và gây ra khói mù bao trùm thành phố Pekanbaru.
Tình trạng nguồn nước bị cạn kiệt do hạn hán khiến mực nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng trong mùa khô khắc nghiệt năm nay cộng với gió mạnh là các yếu tố gây bùng phát các đám cháy cũng là những trở ngại lớn cản trở các nỗ lực chữa cháy. Dữ liệu từ Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia chỉ ra rằng hơn 30.000 ha rừng của nước này đã bị tàn phá bởi hỏa hoạn kể từ đầu năm nay.
Bộ trưởng điều phối Các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Wiranto trước đó thừa nhận luật pháp chống lại hành vi gây cháy rừng và đất vẫn chưa nghiêm. Các biện pháp trừng phạt cá nhân và tập thể gây ra hỏa hoạn không hiệu quả. Chính phủ Indonesia sẽ áp dụng một cách tiếp cận khác để ngăn chặn các hoạt động canh tác truyền thống sử dụng lửa. Bộ trưởng Wiranto xác nhận giới chức Indonesia đã cảnh cáo nghiêm khắc 37 tập đoàn về hành vi phát rừng đốt thực bì gây ra các vụ cháy rừng và đất, trong khi xúc tiến các thủ tục tố tụng pháp lý đối với 5 công ty khác.
Hàng năm, tại Indonesia thường xảy ra nạn cháy rừng và đất trong mùa khô do tập quán canh tác đốt rừng lập đồn điền. Năm 2015, nạn cháy đã lan rộng ngoài khả năng kiểm soát của nước này và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số quốc gia lân cận do khói mù lan rộng.