Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại Cuộc thảo luận trực tuyến tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) liên quan đến đại dịch COVID-19 và những thách thức của sự phát triển cộng đồng, với tư cách là Chủ tịch HĐBA LHQ trong tháng 8/2020, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết, đại dịch đã làm tăng tính dễ bị tổn thương của các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột. Một số quốc gia thậm chí còn bị đe dọa rơi vào bờ vực khủng hoảng.
Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Retno nhấn mạnh ba điểm chính để ứng phó với những thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng trong nỗ lực duy trì hòa bình thế giới trong tình hình đại dịch. Thứ nhất, khía cạnh xây dựng hòa bình cần phải là một phần của ứng phó đại dịch toàn diện. Hơn nữa, cần đảm bảo sự tham gia đồng đều của các bên liên quan trong nỗ lực xây dựng hòa bình cũng như tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi để hỗ trợ các nỗ lực xây dựng hòa bình trong thời kỳ đại dịch. Thứ hai, các nỗ lực xây dựng hòa bình đòi hỏi sức mạnh tổng hợp giữa các cơ quan trong hệ thống của LHQ. LHQ phải tích hợp cách tiếp cận nhạy cảm với xung đột trong các nỗ lực ứng phó với đại dịch. Thỏa thuận đình chiến và tạm dừng nhân đạo sẽ cho phép cung cấp kịp thời sự hỗ trợ và điều trị COVID-19 cho dân thường trong cuộc xung đột. Thứ ba, điều quan trọng là phải tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực cho các nỗ lực xây dựng hòa bình, vì phần lớn các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột đang phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa chi tiêu cho cơ sở hạ tầng y tế hoặc xây dựng hòa bình.
Trong bối cảnh gia tăng bất ổn do đại dịch gây ra, các nỗ lực xây dựng hòa bình và hòa bình bền vững ngày càng trở nên khó thực hiện. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Retno lạc quan rằng tình hình khủng hoảng này có thể mở đường cho hòa bình.
Cuộc thảo luận là bước đột phá mới để Indonesia bắt đầu thảo luận về vấn đề xây dựng hòa bình trong thời kỳ đại dịch đã được các quốc gia thành viên HĐBA LHQ đánh giá cao. Cuộc họp có sự tham dự của một số quan chức cấp cao của các thành viên HĐBA LHQ, bao gồm các Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Estonia, Nam Phi và Đức.