Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Ngoại trưởng Retno cho rằng nạn phân biệt đối xử và chính trị hóa vaccine càng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vaccine và khiến quá trình phục hồi diễn ra không đồng đều.
Trong một bài phát biểu phát trên kênh Youtube của Bộ Ngoại giao Indonesia, bà Retno cho rằng “công bằng và bình đẳng trong tiếp cận vaccine là “bài kiểm tra đạo đức lớn nhất” mà thế giới đang đối mặt. Bà kêu gọi bình đẳng vaccine giữa tất cả các quốc gia theo “Dasasila Bandung (10 nguyên tắc Bandung)” của NAM trong những ngày đầu thành lập, như là các nguyên tắc của các mối quan hệ và hợp tác quốc tế.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia nhấn mạnh: “Đó là lý do tại sao NAM phải hành động thống nhất và đoàn kết nhằm thúc đẩy phân phối đồng đều và tiếp cận vaccine một cách bình đẳng”. Bà Retno khẳng định rằng Indonesia kêu gọi NAM ưu tiên các giá trị hợp tác trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị đang đe dọa đến việc hợp tác giải quyết đại dịch và các thách thức toàn cầu khác như biến đổi khí hậu.
Bày tỏ sự lạc quan rằng NAM sẽ thúc đẩy sự tôn trọng công lý, đặc biệt là ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của người dân Palestine, bà Retno nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn còn nợ người dân Palestine liên quan đến việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập vốn đã bị trì hoãn từ lâu”.
NAM chính thức được thành lập vào tháng 9/1961, với tiền thân của Phong trào là Hội nghị cấp cao Á - Phi họp ở Bandung (Indonesia), vào tháng 4/1955. NAM có một vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Indonesia. Soekarno, Tổng thống đầu tiên của Indonesia, là một trong những người khởi xướng và sáng lập phong trào này.