Với tổng diện tích 3.981 ha, Muara Jambi bao gồm 11 ngôi đền chính. Tuy nhiên theo ước tính, vẫn còn 82 kiến trúc cổ bị vùi lấp dưới các gò đất chưa được khai quật ở giữa rừng già, chạy dọc 7,5 km bên bờ sông Batanghari dài nhất trên đảo Sumatra.
Trong chuyến thị sát Muaro Jambi mới đây, Bộ trưởng Điều phối Văn hóa và Phát triển con người Indonesia Muhadjir Effendy nhấn mạnh rằng Luật số 15/2017 giao cho chính phủ nước này nhiệm vụ tái thiết, phục hồi, bảo tồn và phát triển các di tích, trong khi Tổng thống Joko Widodo đã chỉ đạo đưa quần thể di tích Phật giáo này vào chương trình ưu tiên quốc gia.
Quy mô quần thể Muara Jambi chỉ kém khu di tích đền chùa Phật giáo lớn nhất thế giới Borobudur rộng 8.123 ha cũng ở Indonesia, nằm ở huyện Magelang, tỉnh Trung Java,
Theo Bộ trưởng Muhadjir, quá trình phục hồi và bảo tồn Muara Jambi được Bộ Giáo dục và Văn hóa, cùng các nhà bảo tồn văn hóa tiến hành. Bộ này đã giải ngân một khoản ngân sách đặc biệt cho dự án phục hồi quần thể Muara Jambi và quá trình này sẽ được tăng tốc bắt đầu từ năm tới.
Ông Muhadjir khẳng định quần thể đền Muara Jambi không chỉ là tài sản vô giá của Indonesia mà còn của cả thế giới, đặc biệt là các tín đồ Phật giáo. Vào thời kỳ hoàng kim, quần thể đền chùa Phật giáo này có liên hệ với các nền văn minh lớn và một số quốc gia, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.
Cũng theo Bộ trưởng Muhadjir, nếu quá trình phục hồi và tái thiết quần thể Muara Jambi diễn ra tốt đẹp, di tích có giá trị đặc biệt này có thể trở thành trung tâm và là điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh và tôn giáo lớn, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế, nhất là những người theo đạo Phật.
Quần thể đền Muara Jambi lần đầu tiên được một binh sĩ người Anh phát hiện vào năm 1824 và bắt đầu được trùng tu vào năm 1975.
Theo ông Bonnie Triyana, Tổng biên tập Historia.id - tạp chí lịch sử trực tuyến lớn nhất Indonesia, Muara Jambi không chỉ là một phần của lịch sử Indonesia, mà còn là một phần của lịch sử khu vực.
Cuối năm 2019, Tổng cục Văn hóa thuộc Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia đã tiến hành nghiên cứu bằng máy quét định dạng 3D (LiDAR) tại khu vực Muara Jambi trên tổng diện tích khoảng 3.000 ha. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rất nhiều điểm nằm dưới đất được cho là các cấu trúc cổ xưa, có thể là điểm khởi đầu để hoàn thiện những mảnh ghép còn thiếu về sự phát triển của nền văn minh nhân loại ở Muara Jambi.