Tại cuộc họp nội các ngày 24/8, Tổng thống Jokowi đã yêu cầu Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan tăng cường thu hút đầu tư trong quý III/2020 và cho rằng đây sẽ là “chìa khóa” cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình.
Ông Jokowi nhấn mạnh: “Đó có thể là chìa khóa duy nhất để hỗ trợ nền kinh tế giữa lúc xuất khẩu rất khó khăn và tiêu dùng nội địa yếu. Phải có những việc khác mà chúng tôi có thể làm, bao gồm thúc đẩy đầu tư trong quý III/2020 để vực dậy nền kinh tế”.
Tổng tống Jokowi cũng cho biết Trưởng Ban Điều phối Đầu tư (BKPM) Bahlil Lahadalia đã dự kiến đầu tư 213.000 tỷ rupiah (14,43 tỷ USD) trong quý III/2020. Nếu không thể đạt được tăng trưởng đầu tư, ít nhất Chính phủ Indonesia cũng cần cố gắng để đầu tư không giảm quá 5%.
Kinh tế Indonesia trong quý II/2020 đã giảm 5,32% so với cùng kỳ năm 2019, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, qua đó ảnh hưởng đến chi tiêu hộ gia đình, đầu tư và chi tiêu chính phủ. Trong quý II/2020, chi tiêu hộ gia đình - vốn chiếm hơn 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia - đã giảm 5,51% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đầu tư giảm 8,61%.
Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết chính phủ mới chỉ giải ngân khoảng 25% gói kích thích trị giá 695.200 tỷ rupiah để hỗ trợ nền kinh tế và tăng cường chăm sóc y tế trước đại dịch COVID-19. Ông Airlangga cho rằng việc hấp thụ ngân sách phải được đẩy mạnh liên tục để nền kinh tế có thể đi theo chiều hướng tích cực. Bộ này yêu cầu các bộ ngành khác tái phân bổ ngân sách nếu không hấp thụ hết sang các chương trình hỗ trợ năng suất.
Tại phiên điều trần mới đây trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho hay ngân sách dành cho một số chương trình kích cầu từng được triển khai, như hỗ trợ tiền mặt và Chương trình Hy vọng Gia đình, có thể được giải ngân nhanh chóng. Song đối với một số chương trình mới, việc giải ngân gặp nhiều khó khăn và sẽ mất rất nhiều thời gian.
Phát biểu với báo giới hôm 24/8, Bộ trưởng Sri Mulyani khẳng định chiến lược giải ngân toàn bộ ngân sách sẽ là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế. Chính phủ Indonesia cũng sẽ sử dụng tất cả công cụ để khôi phục tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.