Hôm 14/8, ba du khách y tế Indonesia đi cùng 2 người khác đến Malaysia để khám bệnh, đã khiến người dân lo lắng, khi Indonesia đang là quốc gia chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nề nhất Đông Nam Á. Tính đến ngày 21/8, Indonesia đã ghi nhận tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên 147.211 trường hợp với 6.418 người tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch bùng phát mạnh mẽ, Malaysia đã đóng cửa biên giới, cấm người nước ngoài nhập cảnh vào quốc gia này. Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này vẫn cho phép khách du lịch y tế đến để điều trị các bệnh ngoài COVID-19. Đây được cho là biện pháp thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh suy thoái nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra.
Hội đồng Du lịch Chăm sóc Sức khỏe Malaysia cho biết 3 người Indonesia này đã thuê riêng một chuyến bay của hãng hàng không AirAsia khởi hành từ thành phố Medan, Indonesia đến Malaysia. Một chuyến bay khác của Air Asia từ Indonesia đến Kuala Lumpur vào hôm 24/8 đã bị hoãn lại.
Hôm 18/8, Học viện Y khoa Malaysia đã bày tỏ lo ngại về việc cho phép khách du lịch y tế từ nước láng giềng nhập cảnh vào quốc gia này khi nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 là rất cao.
“Lợi nhuận từ khách du lịch y tế không thể bù đắp được những thiệt hại mà Malaysia sẽ phải gánh chịu, nếu một nhân viên chăm sóc sức khỏe nhiễm bệnh và lây lan cho gia đình họ. Dù các nhân viên y tế trong tuyến đầu đang thực hiện nghĩa vụ với đất nước, nhưng chúng ta không nên mạo hiểm trước nguy cơ làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 bùng phát hoặc hệ thống y tế của chúng ta bị quá tải”, Tiến sĩ Rosmawati Mohamed, Giáo sư tại Học viện Y khoa Malaysia, nói.
Tiến sĩ Lam Sai Kit, nhà tư vấn nghiên cứu và nhà virus học tại Đại học Malaya, cũng cảnh báo việc đưa bệnh nhân nước ngoài đến Malaysia “có nguy cơ khiến nhiều chủng virus mới xâm nhập vào nước này”.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch Chăm sóc Sức khỏe Malaysia, Sherene Azli, cho biết tất cả khách du lịch y tế đều phải tuân thủ các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt khi đến quốc gia này. Họ phải cách ly 14 ngày và thực hiện 2 xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR). Bệnh nhân cũng phải trải qua các xét nghiệm PCR tại các cơ sở được chứng nhận của Indonesia trước khi lên máy bay.
“Khi bệnh nhân đã hồi phục, họ sẽ phải quay về nhà”, bà Sherene nói và cho biết mỗi bệnh nhân chỉ được phép có một người đi cùng. Người này cũng phải xét nghiệm và tuân thủ các quy định cách ly. Các bệnh nhân này được phép đến Malaysia “vì lý do nhân đạo”, hầu hết họ cần được điều trị các bệnh về tim mạch và ung thư.
Kể từ ngày 1/7, đã có 16 khách du lịch y tế đã đến Malaysia và 3 người đã trở về quê hương của mình.
Thủ hiến bang Penang Chow Kon Yeow cũng đã gặp phải nhiều chỉ trích khi tuyên bố ông không biết gì về việc những khách du lịch y tế đến Malaysia.
“Tại sao Malaysia lại ưu ái và hỗ trợ thương mại đặc biệt cho các đơn vị kinh doanh bệnh viện tư nhân? Điều đó chỉ mang lại lợi nhuận cho những công ty này và khiến những nhân viên làm việc trên tuyến đầu gặp rủi ro nhiễm bệnh”, một tài khoản Facebook Sian H Ooi, cho biết.
Bên cạnh đó, việc chữa bệnh cho khách nước ngoài cũng gặp phải phản ứng dữ dội khi cảnh sát Indonesia điều tra ra các vụ bán các chứng nhận y tế giả. Những chứng nhận giả này được sử dụng để “chứng minh” bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Các chuyên gia y tế cảnh báo những chứng nhận giả này khiến virus lây lan nhanh chóng, vì người Indonesia chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận y tế âm tính là đã có thể vào Malaysia.
Phát ngôn viên cảnh sát Indonesia Awi Setiono cho biết 7 nghi phạm đã bị bắt vì liên quan đến việc mua bán giấy chứng nhận giả. Nhiều đối tượng gian lận giấy chứng nhận y tế cũng đã bị cảnh sát bắt giữ tại sân bay Soekarno-Hatta tại thủ đô Jakarta, cảng Tanjung Priok, phía bắc đảo Sumatra, phía đông Kalimantan và tỉnh Tây Papua.
Năm 2019, Malaysia đã ghi nhận 1,3 triệu khách du lịch y tế đến quốc gia này. Trong đó, một nửa đến từ Indonesia, sau đó là Trung Quốc.
“Do phần lớn bệnh nhân nước ngoài đều đến từ Indonesia, nên thông tin về chứng nhận y tế giả đang được sử dụng để lọt qua các chốt kiểm dịch COVID-19 rất đáng lo ngại. Chứng chỉ giả xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội và blog”, Tiến sĩ Lam, nói.
Ông cho biết đã có nhiều vụ gian lận giấy chứng nhận y tế được mua với giá chỉ từ 4 USD đến 20 USD. Ông cũng cảnh báo việc chính phủ Malaysia miễn cưỡng áp đặt lệnh cấm du lịch toàn diện “vì lý do kinh tế” sẽ “dẫn đến các vụ bán các giấy chứng nhận giả mạo”.
Trước tình trạng này, Học viện Y khoa Malaysia cho rằng việc xét nghiệm bệnh nhân trước các chuyến bay đến Malaysia không thể bỏ qua.
“Kiểm dịch và xét nghiệm virus SAR-CoV-2 nên là điều kiện bắt buộc đối với tất cả mọi người khi nhập cảnh vào Malaysia, không có ngoại lệ”, bà Rosmawati nói. Bà cho biết các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nước ngoài phải có trách nhiệm đón họ trực tiếp từ sân bay và đưa họ vào diện cách ly. Nếu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus, bệnh viện phải có “trách nhiệm quản lý bệnh nhân” và chi phí do bệnh nhân hoặc công ty bảo hiểm của họ chịu.
Theo Hội đồng Du lịch Chăm sóc sức khỏe Y tế Malaysia, ngành du lịch y tế đã tạo ra khoảng 1,4 đến 1,6 triệu tỉ USD hàng năm cho Indonesia trong 5 năm qua. Trong đó, khách du lịch y tế nước ngoài chiếm 30% bệnh nhân tại các bệnh viện tư nhân ở Penang, 10 - 20% ở Kuala Lumpur và lên đến 40% ở bang Melaka.
Tiến sĩ Christopher Lee, cựu Cố vấn Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm tại Bộ Y tế, cho biết quy trình khám sàng lọc cho khách du lịch mới đến cần phải “kỹ lưỡng và chính xác” nếu muốn ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ 3.
Ông cảnh báo cần phải chống lại sự tự mãn và “mệt mỏi vì dịch COVID-19”, khi một biến thể dễ lây nhiễm hơn đã được phát hiện tại quốc gia này. Viện nghiên cứu Y khoa cho biết biến chủng mới được cho là có khả năng lây nhiễm cao gấp 10 lần so với chủng virus trước đó.
“Mọi ổ dịch đều đáng quan tâm, đặc biệt là thời điểm hiện tại, khi các hạn chế trong nước được nới lỏng. Điều đó có nghĩa là có rất nhiều người di chuyển xung quanh và tương tác với nhau. Tất cả những nguyên nhân này có thể tạo điều kiện cho virus lây lan nhanh hơn và rộng hơn trong cộng đồng, khiến việc kiểm soát COVID-19 trở nên khó khăn hơn”, ông Christopher nói.
“Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người”
Link tải về ứng dụng Bluezone: trên
Android; trên
iOS
Xem hướng dẫn cài Bluezone
tại đây