Phát biểu tại cuộc họp nội các hàng tuần, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh việc xúc phạm nhà tiên tri sẽ không đem lại lợi ích gì, mà chỉ kích động bạo lực. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi phương Tây ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của người Hồi giáo, nếu như họ thực sự muốn đạt được hòa bình, bình đẳng và an ninh.
Cũng liên quan đến vấn đề tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi cho rằng nên ngừng việc phát ngôn tự do nếu hành vi này xúc phạm đến hơn 1,5 tỷ người dân trên thế giới. Bên cạnh đó, ông cũng phản đối mạnh mẽ bất kỳ hình thức bạo lực hay chủ nghĩa khủng bố từ bất kỳ ai nhân danh tôn giáo hay biểu tượng tôn giáo.
Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết sẽ có "các hành động pháp lý và ngoại giao" liên quan đến bức tranh biếm họa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đăng trên tuần báo Charlie Hebdo của Pháp. Cơ quan Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các quan chức hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích tranh biếm họa, coi đây là nỗ lực "truyền bá phân biệt văn hóa và thù ghét".
Hãng thông tấn Anadolu đưa tin Văn phòng công tố Ankara đã mở cuộc điều tra chính thức đối với lãnh đạo tòa soạn báo Charlie Hebdo.
Trước đó, những tuyên bố của Tổng thống Pháp về đạo Hồi cũng đã vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước có đông người Hồi giáo.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã kêu gọi các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng đoàn kết dựa trên tinh thần khoan dung và tự do ngôn luận. Trong một tuyên bố, ông Raab nêu rõ Anh chia sẻ tình đoàn kết với nước Pháp và nhân dân Pháp trong vụ sát hại kinh hoàng giáo viên Samuel Paty...Ông nhấn mạnh không gì có thể biện minh cho chủ nghĩa khủng bố. Ông kêu gọi các nước đồng minh trong NATO và cộng đồng quốc tế phải đoàn kết, không để chủ nghĩa khủng bố gây chia rẽ.
Ngày 16/10 vừa qua, giáo viên lịch sử người Pháp Samuel Paty bị sát hại dã man do cho các học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của người Hồi giáo trong tiết học.Vụ việc đã gây chấn động dư luận nước Pháp và khiến nhiều người liên tưởng đến làn sóng khủng bố của những đối tượng Hồi giáo cực đoan hồi năm 2015 sau khi tòa soạn báo Charlie Hebdo đăng tải các hình ảnh biếm họa về đấng tiên tri Mohammed.
Sau vụ việc, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố không “hủy bỏ những bức tranh biếm họa” này. Nhà lãnh đạo Pháp cũng khẳng định không bao giờ nhượng bộ các phần tử Hồi giáo cực đoan và nước Pháp không chấp nhận các phát ngôn thù địch.