Trả lời câu hỏi của phóng viên tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Ngoại trưởng Zarif khẳng định: "NPT là nền tảng của tính hợp pháp quốc tế và chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ không phổ biến (vũ khí hạt nhân)". Trước đó, ông Zarif tuyên bố Iran đang cân nhắc rút khỏi NPT, xem đây là cách đáp trả đối với các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ nhằm vào nước này.
Cũng theo nhà ngoại giao hàng đầu Iran, Tehran có thể hành động "không thể đoán trước" để đáp trả các chính sách "khó lường" của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ông nhấn mạnh: "Sự khó lường giữa hai bên sẽ dẫn đến hỗn loạn. Tổng thống Trump không thể hành động một cách khó đoán định trong khi lại mong nước khác (có những động thái) có thể dự đoán".
Ngoại trưởng Iran nói thêm rằng: "Các nước Arab vùng Vịnh không thể có được an ninh (trong khu vực) bằng cách chi hàng tỷ USD để mua vũ khí của phương Tây... Dù quân đội nước ngoài có hiện diện cũng không thể ngăn chặn bất ổn (ở vùng Vịnh)".
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng từ tháng 5/2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận lịch sử này đã đặt ra nhiều vấn đề cho sự tồn tại của thỏa thuận cũng như gây ra nhiều căng thẳng sau khi Washington tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Tehran, vốn được dỡ bỏ theo JCPOA. Đáp trả động thái của Mỹ, một năm sau đó, Iran đã quyết định từ bỏ một số nghĩa vụ được quy định trong thỏa thuận. Đáng chú ý, Iran tuyên bố sẽ tăng giới hạn làm giàu urani lên trên mức 3,67% và lượng urani làm giàu thấp vượt ngưỡng 300 kg.