Phát biểu với hãng thông tấn bán chính thức ISNA, tướng Bagheri nói: "Chúng tôi không có ý định đóng cửa Eo biển Hormuz, nhưng nếu hoạt động thù địch của kẻ thù gia tăng, chúng tôi sẽ có thể làm như vậy". Ông khẳng định: "Nếu dầu của chúng tôi không được vận chuyển thông qua Eo biển Hormuz, thì khi đó dầu của các nước khác cũng sẽ không được đi qua eo biển này".
Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Mỹ ngày 22/4 đã yêu cầu các các đối tác ngừng mọi hoạt động trao đổi với Iran trước tháng 5 nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt, qua đó chấm dứt 6 tháng miễn trừ trừng phạt vốn cho phép 8 đối tác nhập khẩu dầu của Iran, chủ yếu là các quốc gia châu Á.
Sau khi Mỹ thông báo quyết định trên, giới chức Iran không ngừng đưa ra lời cảnh báo rằng nước này có thể đóng cửa Eo biển Hormuz, một tuyến vận tải đường biển quan trọng đối với nguồn cung dầu thế giới, nếu phát hiện thấy lợi ích quốc gia hay an ninh của Iran bị đe dọa. Ngày 24/4, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố Tehran sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác mua dầu của nước này và sử dụng Eo biển Hormuz để vận chuyển, đồng thời cảnh báo Mỹ "chuẩn bị lãnh hậu quả" nếu cố tình ngăn cản.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc thế giới. Tuy nhiên, Washington đã cấp quy chế miễn trừ cho 8 nước và vùng lãnh thổ được phép tiếp tục mua dầu thô của Iran trong 6 tháng tiếp theo với số lượng hạn chế. Danh sách này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp. Các quy chế miễn trừ này sẽ hết hạn vào đầu tháng 5 tới.