Một ngày trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ và các lực lượng đồng minh đã chặn một tàu ở ngoài khơi bờ biển Yemen hôm 28/6 đang vận chuyển vũ khí của Iran cho các tay súng Houthi.
Trong phản ứng của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi chỉ trích chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ, đồng thời cho rằng những phát biểu của ông Pompeo xuất phát từ chính sách này. Truyền thông nhà nước dẫn lời ông Mousavi nói rằng: “Mỹ đang tìm cớ để tiếp tục gây sức ép tối đa đối với Iran, thực hiện ý đồ mở rộng lệnh cấm vũ khí đối với Iran".
Quan hệ giữa Mỹ và Iran xấu đi kể từ năm 2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức, Anh và Pháp nhằm ngăn chặn Teheran phát triển vũ khí hạt nhân đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Mỹ cũng áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này và gây sức ép để Tehran phải đàm phán lại thỏa thuận cũng như từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo. Sau đó, Iran từng bước giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc tăng giới hạn làm giàu urani.
Tại Yemen, từ năm 2015, liên minh quân sự Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp vào nước này để hỗ trợ chính phủ Tổng thống Mansour Hadi chống lại nhóm vũ trang Houthi. Mỹ và Saudi Arabia thường cáo buộc Iran hỗ trợ quân sự và tài chính cho Houthi trong khi nước Cộng hòa Hồi giáo này bác bỏ điều này.
Cùng ngày 9/7, truyền hình nhà nước Saudi Arabia đưa tin liên quân chống Houthi tại Yemen tuyên bố đã phá hủy 2 tàu chở chất nổ tại cảng Salif, phía Nam Yemen. Theo liên quân, 2 tàu này được điều khiển từ xa đe dọa đến an ninh hàng hải.