Phát biểu với báo giới, ông Saeed Khatibzadeh cho biết các cuộc đàm phán đã chạm đến “các vấn đề mấu chốt” và cần các bên, đặc biệt là Mỹ, đưa ra những quyết định chính trị nghiêm túc. Ông đồng thời nhấn mạnh Tehran cần sự bảo đảm khách quan từ các bên liên quan rằng Mỹ sẽ không từ bỏ thỏa thuận một lần nữa.
Iran đang đàm phán trực tiếp với Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức, đồng thời đàm phán gián tiếp với Mỹ tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân mà các bên đã ký năm 2015 - có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Theo thỏa thuận, Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận JCPOA với lý do còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Về phần mình, Tehran cũng thu hẹp dần các cam kết trong thỏa thuận này sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu không đem lại kết quả.
Những nỗ lực cứu vãn JCPOA đã được nối lại từ cuối tháng 11/2021 với mục tiêu thuyết phục Mỹ quay trở lại thỏa thuận và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, đồng thời Tehran phải tuân thủ đầy đủ các cam kết theo thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán trong những tuần gần đây đã cho thấy dấu hiệu tiến bộ khi một số bên tham gia cho rằng các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn cuối cùng.
Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani nhận định các cuộc đàm phán đã đến giai đoạn có thể đưa ra những đánh giá "chắc chắn" chứ không phải những suy đoán. Ông quan trọng kết quả đàm phán hiện nay sẽ phụ thuộc vào quyết định của Mỹ, có chấp nhận các nguyên tắc đã được thỏa thuận trong JCPOA để xây dựng một thỏa thuận đáng tin cậy và lâu dài hay không.