Theo tờ Bưu điện Jerusalem ngày 12/2, trong một tuyên bố hiếm hoi của đại diện Trung Quốc tại cuộc đàm phán hạt nhân Iran ở Vienna, Bắc Kinh khuyến khích Tehran đáp lại đề nghị của Mỹ.
Ông Wang Qun nêu rõ tất cả các nhà đàm phán nhất trí tiến trình đang đi đến giai đoạn kết thúc, đặc biệt là sau khi Iran đưa ra đề xuất cuối cùng của họ.
Tuyên bố trên được đưa ra một tuần sau khi Mỹ đệ trình đề xuất trở lại đàm phán về thỏa thuận hạt nhân 2015 với các cường quốc thế giới khác. Trước đó, phía Iran từ chối đàm phán trực tiếp với Mỹ.
Ông Wang Qun đã phá vỡ sự im lặng tương đối của đoàn đàm phán Trung Quốc, cho biết ông hy vọng Iran sẽ “chính thức đưa ra phản hồi bằng văn bản về gói đề xuất để tất cả các bên thảo luận”.
Trong những ngày gần đây, giới truyền thông và quan chức Iran liên tục đổ lỗi cho Mỹ khiến các cuộc đàm phán kéo dài, bất chấp việc các nước khác đang chờ đợi đề xuất từ Tehran.
Một nguồn tin trong đoàn đàm phán Iran tuyên bố rằng nước này “đi tiên phong trong việc đưa ra các ý tưởng và đề xuất mới” và rằng “Mỹ cuối cùng cần phải đưa ra quyết định".
Hãng thông tấn Iran Nour News dẫn một nguồn tin ở Vienna cho biết "Trung Quốc và Nga cùng với Liên minh châu Âu đã phàn nàn về sự bối rối và không có khả năng đưa ra quyết định chính trị của Mỹ đối với kết quả của các cuộc đàm phán”. Nour News gọi Chính quyền Tổng thống Joe Biden là “bất lực và không linh hoạt trong đàm phán”.
Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao của Iran Ali Shamkhani đã tweet vào tuần trước rằng “không có sự thống nhất nào trong [Chính phủ Mỹ] để đưa ra các quyết định chính trị theo hướng tiến bộ cho cuộc đàm phán ở Vienna”.
Ngày 12/2, ông Shamkhani lưu ý “việc duy trì và củng cố các khả năng hạt nhân hòa bình và khả năng quốc phòng của Iran, cùng các chính sách xây dựng an ninh khu vực của Iran là không thể thương lượng".
Mỹ và Iran đã tham gia vào các cuộc đàm phán gián tiếp kể từ tháng 4/2021 để khôi phục Kế hoạch Hành động Toàn diện chung năm 2015 (JCPOA), trong đó hạn chế việc làm giàu và dự trữ urani của Iran cho đến năm 2030, để đổi lấy việc dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt.
Mỹ đã rút khỏi JCPOA năm 2018, viện dẫn bằng chứng cho thấy Iran đã che giấu chi tiết về chương trình hạt nhân và có các hành động gây căng thẳng ở Trung Đông như tạo ra cuộc chiến tranh ủy nhiệm và chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
Iran kể từ đó đã làm giàu urani lên 60%, cao hơn bất kỳ quốc gia nào không có vũ khí hạt nhân và công bố một loại máy ly tâm tiên tiến mới vài ngày sau khi các cuộc đàm phán được nối lại vào cuối năm ngoái.
Sau đó, Mỹ và E3 (Pháp, Đức và Anh) cảnh báo rằng chỉ còn vài tuần nữa để khôi phục JCPOA và than phiền về tốc độ đàm phán chậm chạp. Trong khi đó, Iran và Nga đã bắt đầu hợp tác với nhau vào tuần trước để hạn chế các lệnh trừng phạt.