Trong bối cảnh lực lượng nổi dậy Syria đạt bước tiến nhanh nhất trên chiến trường sau nhiều năm, Iran và Hezbollah đã tuyên bố tăng cường hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Ngày 6/12, một quan chức cấp cao của Iran xác nhận với hãng tin Reuters rằng nước này sẽ gửi thêm tên lửa, thiết bị bay không người lái và các cố vấn quân sự tới Syria nhằm hỗ trợ lực lượng của Tổng thống Assad trước sức ép từ phiến quân.
Lực lượng phiến quân, dẫn đầu bởi nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn từ thành trì Idlib, tiến dần về phía nam và áp sát thành phố chiến lược Homs. Chiếm được Homs sẽ tạo ra một cú đòn mạnh mẽ cho chính quyền của Tổng thống Assad, cắt đứt thủ đô Damascus khỏi khu vực ven biển, thành trì của giáo phái Alawite thiểu số và là nơi đặt căn cứ quân sự quan trọng của Nga.
Kể từ khi cuộc nội chiến Syria bùng phát năm 2011, thành phố Homs luôn giữ vai trò ngã tư chiến lược, kết nối các tuyến giao thông và quân sự trọng yếu. Việc để mất thành phố này có thể gây gián đoạn nghiêm trọng đối với sự kiểm soát của Tổng thống Assad trên cả nước.
Iran, một đồng minh thân cận của Tổng thống Assad, đã chuyển trọng tâm quân sự trở lại Syria sau khi bị phân tán bởi căng thẳng leo thang với Israel trong cuộc chiến tại Gaza hồi tháng 10/2023. Quan chức cấp cao Iran giấu tên cho biết: "Tehran sẽ tăng cường cung cấp thiết bị quân sự, tên lửa và thiết bị bay không người lái cho Syria. Đồng thời, số lượng cố vấn quân sự Iran tại Syria cũng sẽ được mở rộng để hỗ trợ chính quyền Syria".
Hezbollah, lực lượng vũ trang ở Lebanon và đồng minh quan trọng của Iran, cũng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực này.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 6/12 thông báo từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ngoại trưởng Hakan Fidan sẽ gặp những người đồng cấp Nga và Iran theo định dạng Astana để bàn về tình hình Syria.
Tiến trình đàm phán Astana, còn được gọi là Định dạng Astana, được khởi động vào năm 2017, với 21 cuộc họp được tổ chức cho đến nay. Định dạng Astana bao gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là các quốc gia bảo lãnh trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, cùng với đại diện của chính phủ và phe đối lập Syria, Liên hợp quốc và 3 nước giữ vai trò quan sát viên gồm Jordan, Liban, Iraq.
Cùng ngày, người đứng đầu bộ phận điều phối khẩn cấp của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) Samer AbdelJaber cho biết cuộc xung đột tại Syria đã khiến khoảng 280.000 người phải di dời chỉ trong hơn một tuần tính từ ngày 27/11. Con số này không bao gồm những người chạy trốn khỏi Liban trong các cuộc giao tranh leo thang gần đây. Ông AbdelJaber cảnh báo nếu tình hình tiếp tục diễn biến như hiện tại, dự kiến sẽ có khoảng 1,5 triệu người phải di dời và cần hỗ trợ.
Hiện WFP và các cơ quan nhân đạo khác đang cố gắng tiếp cận các cộng đồng ở tất cả các nơi và đang nỗ lực bảo đảm các tuyến đường an toàn để vận chuyển hàng cứu trợ. Quan chức trên cũng nhấn mạnh sự cấp thiết của việc cấp thêm kinh phí để đảm bảo các tổ chức nhân đạo sẵn sàng cho mọi kịch bản trong thời gian tới.
Tình trạng di dời ồ ạt đã xảy ra từ cuối tháng 11 khi lực lượng phiến quân do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu phát động cuộc tấn công chớp nhoáng vào thành phố Aleppo và tiếp tục tiến xuống phía Nam. Các cuộc giao tranh trong 10 ngày qua đã khiến hơn 800 người thiệt mạng.