Trong bài phát biểu được phát trực tiếp trên kênh truyền hình nhà nước ngày 4/12, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố nói: "Nếu họ sẵn sàng gạt sang một bên các lệnh trừng phạt thì chúng tôi sẵn sàng đàm phán và thương lượng, kể cả ở cấp lãnh đạo Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức)".
Lâu nay, Tổng thống Rouhani đã đề nghị Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, đổi lại Iran sẽ quay trở lại đàm phán dưới sự bảo trợ của Nhóm P5+1, vốn đạt được thỏa thuận hạt nhân hồi năm 2015, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Trước đó, ngày 2/12, Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri tuyên bố các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran đã thất bại, thể hiện qua việc nước CH Hồi giáo này tiếp tục xuất khẩu dầu. Theo ông Jahangiri, cái mà Mỹ gọi là "sức ép tối đa" nhằm vào Iran đã thất bại khi Tehran vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của mình.
12 tháng kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi JCPOA, Iran bắt đầu giảm bớt các cam kết đối với thỏa thuận trên do các bên khác không tuân thủ thỏa thuận. Trong quyết định mới nhất cuối tháng 11, Iran tuyên bố nối lại hoạt động làm giàu urani tại cơ sở Fordow ở miền Nam khi bắt đầu bơm khí urani vào các máy ly tâm.
Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã rơi vào khủng hoảng từ tháng 5/2018 - thời điểm Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran với các cường quốc. Sau đó, Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia vùng Vịnh này nhằm ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, yêu cầu Iran đàm phán về một thỏa thuận mới. Tuy nhiên, Tehran kiên quyết lập trường chỉ đàm phán khi Washington tham gia trở lại JCPOA và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.