Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 5/11 đã đưa ra phản ứng trên sau khi Tehran tuyên bố sẽ nối lại hoạt động làm giàu urani tại cơ sở hạt nhân chủ chốt Fordow.
Trong một tuyên bố, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: "Iran không có lý do đáng tin cậy để mở rộng chương trình làm giàu urani của họ, tại cơ sở Fordow hay bất cứ đâu". Quan chức Mỹ cũng nhấn mạnh việc làm này sẽ khiến Iran bị cô lập hơn về chính trị và kinh tế.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng đây là bước đi lớn sai hướng, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thực hiện vai trò thẩm tra độc lập tại Iran và trông đợi các báo cáo của IAEA về bất kỳ diễn biến nào trong chương trình hạt nhân của Iran.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho rằng quyết định của Iran giảm cam kết với thỏa thuận hạt nhân Iran có tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Anh.
Ông Raab nói: "Những hành động mới nhất của Iran rõ ràng vi phạm thỏa thuận này và đặt ra nguy cơ đối với an ninh quốc gia của chúng tôi. Chúng tôi muốn tìm một con đường hướng tới tương lai thông qua đối thoại quốc tế mang tính xây dựng, song Iran cần thực hiện những cam kết của họ và ngay lập tức trở lại tuân thủ đầy đủ".
Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo sẽ tiếp tục giảm cam kết của nước này trong JCPOA, cụ thể, từ ngày 6/11, Tehran sẽ bơm khí urani vào 1.044 máy ly tâm tại nhà máy Fordow. Ngày 4/11, trong một động thái tiếp tục thu hẹp phạm vi tuân thủ thỏa thuận JCPOA, Iran đã đưa vào sử dụng loạt 30 máy ly tâm IR-6 thế hệ mới và lượng sản xuất urani làm giàu của Iran đã đạt 5 kg/ngày.
Từ tháng 5/2019, Iran đã bắt đầu giảm cam kết trong thỏa thuận JCPOA, đúng một năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran.