Hãng thông tấn chính thức của Iran IRNA dẫn lời ông Kamalvandi cho biết: "Hiện nay, lượng nước nặng cần thiết đang được sản xuất trong nước và nước nặng của Iran thậm chí còn đang được xuất khẩu tới khoảng 8 quốc gia".
Ông Behrouz Kamalvandi khẳng định không có bất cứ sự ngừng trệ nào trong hoạt động sản xuất nước nặng của Iran, đồng thời nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp hạt nhân nước này là "không thể ngăn cản". Người phát ngôn của AEOI đồng thời nhấn mạnh rằng Tehran cần phải có các nhà máy điện hạt nhân, cần tự sản xuất nhiên liệu và các hợp chất dược phẩm chứa phóng xạ dùng để chẩn đoán bệnh.
Ông Kamalvandy cũng cho biết Iran dự định cung cấp lượng nhiên liệu cần thiết cho các cơ sở hạt nhân của mình, đủ để các cơ sở này hoạt động ngay cả khi các nhà cung cấp nước ngoài ngừng hỗ trợ trong 2 năm.
Tuyên bố trên được người phát ngôn AEOI đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) hối thúc Iran đảo ngược quyết định làm giàu urani cấp độ cao và tạo cơ hội để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), văn kiện mà Tehran đã ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức).
Trong tuyên bố đưa ra tối 11/1, EU nêu rõ: "Việc Iran bắt đầu quá trình làm giàu urani tới 20% tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow… là một diễn biến rất nghiêm trọng và gây quan ngại sâu sắc. Vào thời điểm quan trọng hiện nay, hành động của Iran có nguy cơ phá hoại những nỗ lực được xây dựng dựa trên tiến trình ngoại giao. Chúng tôi hối thúc Iran kiềm chế leo thang và ngay lập tức dừng hành động này".
Trong khi đó, Cố vấn cấp cao của Nhà lãnh đạo Tối cao Iran Ali Khamenei - ông Ali Akbar Velayati tuyên bố Tehran sẽ yêu cầu loại bỏ khỏi JCPOA cơ chế được gọi là "quy trình đảo ngược". Ông Velayati nhấn mạnh: "Cơ chế (kích hoạt) này phải bị loại bỏ vì đó là nguyên tắc bất hợp lý trong trường hợp tiến hành đàm phán thêm".
Theo thỏa thuận JCPOA, Iran đã nhất trí hạn chế phát triển chương trình hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ giảm các biện pháp trừng phạt. Thỏa thuận này bao gồm lựa chọn cơ chế kích hoạt các biện pháp trừng phạt của LHQ nếu Iran vi phạm thỏa thuận, yêu cầu Tehran đình chỉ tất cả hoạt động hạt nhân liên quan đến làm giàu và tái chế, bao gồm nghiên cứu và phát triển.
Căng thẳng liên quan JCPOA gia tăng kể từ tháng 5/2018, khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran nhằm gây áp lực buộc Tehran đàm phán lại thỏa thuận. Đáp lại, Iran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani.
JCPOA quy định Iran chỉ được làm giàu urani ở mức 3,67%, thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Mức làm giàu urani để chế tạo vũ khí hạt nhân là 90%. Iran khẳng định nước này đủ năng lực làm giàu urani ở độ tinh khiết 90%.