Đập Mosul cao 113m, dài 3,4km, nằm ở thành phố cùng tên thuộc tỉnh Nineveh (miền Bắc). Sức chứa của đập lên tới 11,1 tỷ m3 nước. Hiện có ba trạm thủy điện được xây dựng bên trong đập, với công suất phát điện 1.052 MW. Tuy nhiên, do các vấn đề kỹ thuật hiện các trạm này chỉ phát 800 MW.
Đập Mosul vốn được xây dựng trên các tầng đất sét và thạch cao, loại vật liệu sẽ tan ra khi tiếp xúc với nước, vì vậy tạo ra những lỗ hổng lớn dưới móng đập. Để gia cố cho móng đập, hàng trăm công nhân đã bơm xi măng vào các lỗ hổng này. Các chuyên gia cảnh báo, nếu đập Mosul vỡ, lượng nước trong đập sẽ nhấn chìm hoàn toàn thành phố Mosul. Mực nước sẽ lên cao 20m chỉ trong vòng 9 giờ. Dòng nước lũ sẽ chảy tới thủ đô Baghdad trong vòng 72 giờ và bao phủ 55% thủ đô với mức nước cao 4m.
Một đánh giá của chính phủ Mỹ hồi tháng 2 vừa qua cho rằng từ 500.000 - 1,47 triệu người Iraq sẽ thiệt mạng vì những đợt sóng cồn ở sông Tigris nếu không kịp sơ tán khỏi vùng nước lũ. Kịch bản tồi tệ nhất là vỡ đập vào mùa xuân, khi nước sông Tigris đang cao vì tuyết tan và mưa.
Đập Mosul đã bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm giữ trong 10 ngày hồi tháng 8/2014. Hoạt động của đập bị cản trở, công nhân bị buộc phải ra khỏi nơi làm việc và trang thiết bị lao động đồng thời bị phá hủy. Các lực lượng người Kurd đã giành lại quyền kiểm soát đập này. Tuy nhiên, Chính phủ Iraq không thể nối lại hoạt động của đập ngay lập tức vì nhà máy xi măng vẫn nằm trong tay IS. Chính quyền Iraq đã phải nhập khẩu xi măng từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 2006, quân đội Mỹ tại Iraq cho rằng đập Mosul là "đập nguy hiểm nhất thế giới" và cảnh báo đập này có thể vỡ vào bất cứ lúc nào và gây ra một thảm họa nhân đạo lớn. Nhiều báo cáo sau này của các kỹ sư thuộc quân đội Mỹ cũng khẳng định rằng đập Mosul "có nguy cơ hư hại cao hơn mọi người vẫn nghĩ".
Các kỹ sư đã phát hiện các lỗ hổng mới ở móng đập. Tháng 1/2016, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi chính quyền Iraq áp dụng các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho đập Mosul. Chính quyền Mỹ lo ngại một thảm họa xảy ra với đập Mosul sẽ hủy hoại các nỗ lực của Mỹ nhằm ổn định Chính phủ Iraq và sẽ làm phức tạp thêm cuộc chiến chống IS tại đây.
Tuy nhiên, phát biểu với hãng tin NINA, người đứng đầu dự án đập Mosul, ông Riyadh Ezz al-din khẳng định "đập Mosul hiện không nguy hiểm vì mực nước trong đập chỉ chiếm 25% sức chứa". Theo ông, nguy cơ sẽ xảy ra khi mức nước vượt quá 60% sức chứa. Mặc dù vậy, một ủy ban của Quốc hội Iraq vừa công bố một báo cáo về đập Mosul cho biết việc giảm lượng nước chứa trong đập chỉ giúp giảm thiệt hại do lũ lụt gây ra, không ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ.
Iraq đã biết về nguy cơ này từ trước năm 2003, và đã cho xây đập Badush ở cách Mosul 16km nhằm bảo vệ các thành phố ven sông Tigris. Tuy nhiên, việc xây đập Badush đã bị ngừng trệ sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq. Tháng 2 vừa qua, Baghdad công bố một kế hoạch khẩn cấp về nguy cơ đập Mosul vỡ, trong đó có việc sơ tán dân tại các thị trấn và thành phố ven sông để tránh nước lũ.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi khẳng định: "Nguy cơ vỡ đập là không có, đặt biệt với các biện pháp đề phòng kỹ thuật mà chính quyền đã áp dụng, tuy nhiên cũng cần cảnh báo những hậu quả nghiêm trộng nếu xảy ra". Một trong số các biện pháp đề phòng là hợp đồng trị giá 296 triệu USD của Iraq ký ngày 2/3 vừa qua với tập đoàn kỹ sư TREVI của Italia nhằm gia cố đập khẩn cấp.