Các lực lượng Iraq tiến vào Tal Afar trong chiến dịch giải phóng khu vực này từ phiến quân IS ngày 20/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, các lực lượng tại Iraq vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Trước đó, ngày 26/8, Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jafari cảnh báo rằng "chiến thắng tại Iraq không có nghĩa là kết thúc mối đe dọa từ IS". Theo ông, Iraq sẽ tiếp tục hợp tác quân sự với liên quân do Mỹ đứng đầu và cần có những biện pháp "an ninh phòng ngừa các nhóm khủng bố hoạt động trong bóng tối". Chuyên gia quân sự người Iraq Jassem Hanoun cho biết IS có thể sẽ trở lại với "phương thức hoạt động ban đầu", tấn công các khu dân cư và chợ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc thiếu phối hợp và tổ chức khiến cho các cơ quan an ninh gặp khó khăn khi đối phó với những cuộc tấn công nhỏ, lẻ như vậy.
Khả năng liệu liên quân có tiếp tục hoạt động tại Iraq cũng như cách thức hoạt động là một chủ đề chính trị nóng bỏng đối với cả Baghdad và Washington. Việc Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hợp tác với Mỹ gây ra một thế tiến thoái lưỡng nan: Lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi sẽ ra sao khi đây là lực lượng chủ chốt chiến đấu chống lại IS, nhưng có đa số thành viên là các tay súng Hồi giáo dòng Shiite (Si-ai) được Iran hậu thuẫn. Giới chuyên gia cho rằng sự tồn tại của Hashed là một "thừa nhận cho sự thất bại của quân đội được chính quyền Mỹ đầu tư huấn luyện với chi phí tài chính và trang thiết bị khổng lổ suốt 14 năm".
Bên cạnh vấn đề phe phái, Iraq còn phải đối mặt với một thách thức khác liên quan tới thống nhất dân tộc: cuộc trưng cầu dân ý về độc lập tại khu tự trị người Kurd dự kiến vào ngày 25/9 tới. Mỹ và các thành viên liên minh mạnh mẽ phản đối cuộc trưng cầu dân ý, cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến chống IS. Baghdad cũng dự kiến sẽ tổ chức bầu cử cuộc hội và chính quyền tỉnh vào mùa Xuân năm 2018, một thử thách của Thủ tướng al-Abadi.
Chiến dịch quân sự giải phóng Tal Afar do Mỹ hỗ trợ được mở màn hôm 20/8, một tháng sau khi Iraq tuyên bố giành chiến thắng trước IS tại Mosul, thành phố lớn thứ hai của nước này. Sự sụp đổ của Mosul đã đặt dấu chấm hết cho cái gọi là "Vương quốc Hồi giáo" tự phong mà IS tuyên bố thành lập trên các vùng lãnh thổ của Iraq và Syria hồi năm 2014. Thắng lợi của các lực lượng Iraq tại Tal Afar - khu vực nằm trên tuyến đường tiếp tế quan trọng của IS giữa Mosul và các khu vực của Syria, một lần nữa là "cú đòn" giáng mạnh vào tàn quân IS tại đất nước này.
Hiện IS chỉ còn kiểm soát một thành phố duy nhất là Hawija ở tỉnh Kirkuk, cách Baghdad khoảng 300 km về phía Bắc và một số khu vực sa mạc nằm dọc biên giới với Syria.