Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Paris, phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Varadkar cam kết sẽ ngăn chặn hàng hóa không đáp ứng các tiêu chuẩn EU vào thị trường của khối qua ngả Ireland, trong bối cảnh Anh rời EU không thỏa thuận và Anh thực hiện các hiệp định thương mại với Mỹ hoặc Trung Quốc.
Thủ tướng Varadkar cũng phản đối tái lập đường biên giới cứng giữa Ireland và Bắc Ireland, do lo ngại việc này có thể gây nguy hiểm cho hòa bình ở vùng đất thuộc Anh. Theo ông, việc kiểm dịch rất cần thiết, nhất là trong nhập khẩu động vật sống, và có thể được thực hiện tại các cảng ở vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh chứ không phải ở Cộng hòa Ireland. Tuy nhiên chính phủ Anh hiện từ chối tiến hành kiểm tra hải quan đối với hàng hóa chuyển từ Anh đến Bắc Ireland.
Về phần mình, Tổng thống Macron cảnh báo rằng EU không thể để mình biến thành "con tin" trong cuộc khủng hoảng Brexit. Theo ông, Pháp sẵn sàng đồng ý kéo dài thời hạn Brexit trong một số điều kiện nhất định. Tuy nhiên, ông cho biết dư luận thất vọng về tiến trình Brexit đang ngày một gia tăng tại Paris. Ba năm sau cuộc trưng cầu dân ý, nếu không thể tìm ra một giải pháp đáp ứng yêu cầu của đa số, thì Anh phải chấp nhận ra đi mà không có thỏa thuận “và chúng tôi không thể ngăn chặn sự thất bại này", Tổng thống Pháp nhấn mạnh.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Macron và Thủ tướng Varadkar là dịp để hai nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm về Brexit. Tổng thống Pháp tuyên bố không bao giờ từ bỏ Ireland cho dù bất kỳ điều gì xảy ra, bởi vì sự đoàn kết có ý nghĩa rất lớn trong dự án châu Âu. Tuy nhiên, bất đồng đang xảy ra cùng với khả năng Brexit không thỏa thuận, liên quan đến việc tái lập đường biên giới giữa Ireland. quốc gia thành viên EU, và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh.
Trong trường hợp Brexit không thỏa thuận, biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland sẽ trở thành biên giới đất liền duy nhất giữa EU và Anh. Do đó về lý thuyết cần phải có sự kiểm soát hải quan. Nhưng Ireland kiên quyết từ chối tái lập đường biên, vốn đã bị xóa bỏ như một phần của thỏa thuận hòa bình đạt được vào năm 1998 để chấm dứt hàng thập kỷ xung đột trên hòn đảo này. Điều đó có thể dẫn đến việc phải kiểm tra hải quan đối với hàng hóa từ Ireland vào các nước EU khác, theo cảnh báo của các chuyên gia và giới quan chức.
Hôm 1/4, một người phát ngôn chính phủ Pháp khẳng định Paris muốn tránh việc Brexit cứng khiến Ireland bị tách khỏi EU. Nhà đàm phán Brexit của EU, Michel Barnier, ngày 2/4 cũng cho biết EU đang làm việc với Ireland về những địa điểm kiểm tra hải quan trong trường hợp Brexit không thỏa thuận xảy ra.