Israel học được gì để trở thành quốc gia 'an toàn' giữa đại dịch

Deep Knowledge Ventures - công ty đầu tư mạo hiểm vào chăm sóc sức khỏe và trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) – đánh giá Israel là quốc gia “an toàn” nhất trong đại dịch COVID-19, ít nhất cho đến thời điểm này, theo tạp chí Nikkei.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tại trung tâm Chaim Sheba sử dụng công nghệ để giảm thiểu sự tiếp xúc với bệnh nhân. Ảnh: Reuters

Trong thời gian đầu của cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 gây ra, bác sĩ Arnon Afek luôn bắt đầu ngày mới với những tài liệu báo cáo, nghiên cứu về dịch bệnh. Nhưng gần đây, vị Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Y tế Chaim Sheba từ bỏ thói quen đó. 

“Đó là một nhiệm vụ bất khả thi. Số lượng tài liệu là vô cùng. Kiến thức mỗi ngày một nhiều”, bác sĩ Afek cho biết.

Bệnh viện của Afek được coi là bệnh viện tốt nhất của Israel đi đầu trong công tác chống dịch bệnh. Ông tin tưởng trong cuộc chiến này, quốc gia của ông, châu Á và toàn thế giới sẽ chiến thắng bằng những kiến thức được chia sẻ.

Một số quốc gia đã chứng minh tính hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trong khi Singapore giành được lời khen với phương pháp theo dõi liên lạc và giãn cách xã hội, thì Hàn Quốc lại trở thành một hình mẫu chuẩn cho xét nghiệm quy mô lớn và các trạm xét nghiệm nhanh.

Bảng xếp hạng mà Deep Knowledge Ventures (DKV) đánh giá các quốc gia dựa trên 76 thông số, trong đó gồm số ca mắc COVID-19, số ca tử vong, diện tích địa lý, nhân khẩu học, chuyên môn y tế, hệ thống quản lý điện tử của chính phủ và khả năng phòng thủ…

“Israel là một quốc gia tương đối nhỏ, tổ chức chặt chẽ. Hệ thống quản lý điện tử của chính phủ cũng tỏ ra hiệu quả khi áp dụng trên toàn quốc”, ông Dmitry Kaminsky – quản lý DKV – trả lời phỏng vấn tạp chí Nhật Bản Nikkei, lưu ý thứ tự xếp hạng có thể thay đổi trong tương lai.

Trong bảng xếp hạng, Singapore đứng thứ 2, theo sau là Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc). Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 6 và Hàn Quốc rơi khỏi top 10.

Tất cả các quốc gia kể trên đều có hệ thống chăm sóc sức khỏe được đánh giá cao. Nhưng theo ông Kaminsky, lịch sử chiến tranh kéo dài hàng chục năm đã mang đến cho Israel một lợi thế khi nói đến kiểm soát biên giới, điều động nguồn lực và khả năng đối phó với bất kỳ mối đe dọa địa chính trị nào nảy sinh từ đại dịch.

“Chúng tôi làm việc trong thời bình để luôn chuẩn bị sẵn sàng, để đảm bảo toàn bộ hệ thống của chúng tôi cùng chung tiếng nói. Tất cả bệnh viện, dịch vụ khẩn cấp, quân đội cảnh sát… biết cách phối hợp vì chúng tôi đã tập luyện điều này”, bác sĩ Afek cho hay.

Theo ông Kaminsky, mặc dù đứng đầu bảng xếp hạng quốc gia “an toàn nhất” trong đại dịch song an toàn không đồng nghĩa với miễn dịch.

Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 của Israel đến ngày 8/4 đã vượt ngưỡng 9.000. Phần lớn các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và số ca tử vong đang ở con số 71. Dịch bệnh đã xuất hiện trong bộ máy chính quyền của Israel. Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Israel Yaakov Litzman có kết quả dương tính với COVID-19, buộc Thủ tướng Benjamin Netanyahu tiếp tục cách ly lần 2.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Benjamin Netanyahu (trái) tiếp tục cách ly lần 2 sau khi Bộ trưởng Y tế Yaakov Litzman (phải) dương tính với COVID-19. Ảnh: Reuters

Mặc dù Israel đã triển khai các biện pháp phòng ngừa như cách ly sớm những người về từ vùng dịch, đóng cửa trường học, cấm tụ tập quá 10 người và yêu cầu người dân ở nhà, song các ca mắc mới tại nước này vẫn gia tăng.

Theo bác sĩ Eyal Leshem – Giám đốc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Sheba, tình huống này đã được lường trước. Ông cho biết số người xét nghiệm tăng gấp bốn lần trong vòng một vài tuần qua, và "khi càng xét nghiệm thì các ca dương tính càng nhiều thêm". Số ca xét nghiệm trung bình một ngày của Israel hiện là 6.000, và nước này mong muốn mục tiêu sẽ lên 30.000 ca. Một điều mà Israel chưa có là sự xuất hiện ồ ạt các ca mắc bệnh nặng. "Chúng tôi tự tin rằng các biện pháp giãn cách xã hội đã cho thấy hiệu quả", ông Leshem nhấn mạnh. 

Bác sĩ Afek cho biết Israel đã học hỏi Hàn Quốc về mô hình xét nghiệm. “Tôi có thể nói rằng ngay từ đầu chúng tôi không xét nghiệm đủ… Khi nghiên cứu, chúng tôi nghĩ nên xét nghiệm sớm hơn. Đây là điều mà tôi tin Hàn Quốc đã làm, và chúng tôi nên học từ kinh nghiệm của họ”.

Trong khi đó, một bài học khác trong cuộc chiến chống dịch mà Israel học được từ các quốc gia châu Á là chuyện đeo khẩu trang. “Đây là việc mà mọi người tại Trung Quốc, Nhật Bản đều làm. Chúng tôi học họ. Nó cũng là việc hợp lý”. Theo một nguồn tin mật, tháng trước, Mossad – cơ quan tình báo Israel – đã mua hàng triệu chiếc khẩu trang và hàng nghìn bộ xét nghiệm test kit. Người Israel gần đây cũng được yêu cầu đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng.

Không chỉ học hỏi và phụ thuộc vào thiết bị y tế từ các nước khác, bản thân Israel – từ lâu được biết đến với danh tiếng “quốc gia khởi nghiệp” – cũng rất tích cực trong việc chia sẻ những công nghệ cải tiến. Bệnh viện Sheba gần đây đã thành lập một trung tâm cải tiến, hợp tác với các nhà nghiên cứu và bệnh viện trên khắp châu Âu, Mỹ và Anh.

“Rất nhiều công ty khởi nghiệp đang tìm cách giúp đối phó với COVID-19. Đầu tư vào máy trợ thở, phương pháp chẩn đoán, điều trị mới - mọi thứ đều được thực hiện. Họ sáng tạo ra nhiều thiết bị nhằm giảm thiểu rủi ro tiếp xúc giữa nhân viên y tế và bệnh nhân. Chúng tôi mong muốn được góp phần vào nỗ lực cộng đồng quốc tế chống COVID-19”, bác sĩ Afek khẳng định.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức (Theo Nikkei)
Chính phủ Mỹ đạt thỏa thuận với công ty 3M cung cấp hàng triệu khẩu trang
Chính phủ Mỹ đạt thỏa thuận với công ty 3M cung cấp hàng triệu khẩu trang

Ngày 6/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo chính phủ nước này đã đạt thỏa thuận với công ty 3M có trụ sở tại bang Minnesota để cung cấp hàng triệu khẩu trang để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN