Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, trong thông báo mới nhất, người phát ngôn của Quân đội Israel cho biết một máy bay chiến đấu của nước này đã tấn công "một cơ sở hạ tầng của Hamas được sử dụng cho các hoạt động dưới lòng đất tại phía Nam Gaza", đồng thời "xe tăng của Các Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cũng đã tấn công một số vị trí của nhóm vũ trang Hamas".
Trước đó, cùng đêm ngày 15/6, các tay súng tại Gaza đã bắn một quả rocket rơi trúng vào một không gian mở tại miền Nam Israel, nhưng không gây thương vong nào.
Hiện chưa có nhóm hay cá nhân nào tuyên bố thực hiện vụ bắn rocket nêu trên. Đây là lần đầu tiên rocket từ Gaza bắn vào lãnh thổ Israel kể từ ngày 6/5 vừa qua.
Truyền thông Israel cho biết rocket được bắn sau khi Israel cho phép Qatar chuyển 50 triệu USD viện trợ cho Gaza. Theo tờ Israel Today, Chính phủ Israel đồng ý cho phép việc chuyển tiền này để đổi lấy việc chấm dứt sử dụng bóng bay chứa khi gây cháy được thả từ Gaza bay sang lãnh thổ phía Nam của Israel.
Trước đó, Phong trào Hamas đã kêu gọi người dân Palestine đoàn kết chống lại kế hoạch sáp nhập khu vực Bờ Tây của Israel.
Trao đổi với báo giới, ông Salah al-Bardawil, thành viên cấp cao của Hamas, nhấn mạnh cần thể hiện sự phản đối kế hoạch sáp nhập trên dưới mọi hình thức, và biến thách thức này thành cơ hội để đưa kế hoạch thành lập nhà nước độc lập của Palestine trở lại đúng hướng. Ông Bardawil cũng kêu gọi tiến hành cuộc họp giữa Hamas và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).
Israel có kế hoạch sáp nhập hơn 30% diện tích các vùng đất tại Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan, cũng như áp đặt chủ quyền đối với các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây từ đầu tháng Bảy tới. Kế hoạch này đã lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Palestine, Hamas và cộng đồng quốc tế. Chính quyền Palestine đã tuyên bố chấm dứt Hiệp định hòa bình Oslo ký năm 1993 giữa Chính phủ Israel và PLO, gồm mọi thỏa thuận hợp tác an ninh và các quan hệ dân sự với Israel.
Trong cuộc Chiến tranh 6 ngày với các nước Arab, Israel đã giành quyền kiểm soát Bờ Tây vào ngày 7/6/1967, bao gồm Đông Jerusalem, cho tới thời điểm hiện tại. Tòa án Công lý quốc tế sau đó đã ra phán quyết khẳng định khu vực Bờ Tây là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Tuy nhiên, Chính phủ Israel lại coi khu vực Bờ Tây này là vùng "tranh chấp". Trong số các chính sách gây tranh cãi nhất được chính quyền Tel Aviv thực thi như một phần trong kế hoạch chiếm đóng, Israel đã xây dựng một loạt khu định cư trên khắp Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem. Cộng đồng quốc tế luôn coi đó là hành động bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, đồng thời là một trong những vấn đề lớn khiến các cuộc hòa đàm giữa Palestine và Israel luôn rơi vào ngõ cụt.