Tại một diễn đàn an ninh quốc tế tổ chức ngày 2/7, Ngoại trưởng Israel Yisrael Katz cảnh báo tình hình có thể chuyển từ “vùng xám” sang “vùng đỏ” của một cuộc xung đột quân sự nếu Iran “tính toán sai lầm”.
Ngoại trưởng Katz nhấn mạnh Israel “phải chuẩn bị kỹ” cho diễn biến mới và tiếp tục “củng cố sức mạnh quân sự” trong trường hợp “ứng phó các kịch bản leo thang”.
Phát ngôn của Ngoại trưởng Katz được đưa ra một ngày sau khi một nhà lập pháp cấp cao Iran cảnh báo nếu Mỹ tấn công Iran, Tehran sẽ đáp trả và “tuổi thọ của Israel chỉ còn lại nửa giờ đồng hồ”.
Trước đây, Israel từng đe dọa sẽ hành động quân sự chống lại Iran để ngăn nước này chế tạo vũ khí hạt nhân, mặc dù Tehran nhiều lần phủ nhận cáo buộc đó. Israel luôn thể hiện ủng hộ chính sách “gây sức ép tối đa” lên Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Washington sử dụng để bóp nghẹt nền kinh tế nước Cộng hòa Hồi giáo.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang trong nhiều tháng trở lại đây, đặc biệt là sau khi Washington cáo buộc Tehran tấn công hai tàu chở dầu ở Vịnh Oman vào tháng Sáu. Iran sau đó đã bắn hạ một máy bay không người lái trinh sát của Mỹ với cáo buộc máy bay đó xâm phạm không phận. Hành động này đã khiến Tổng thống Trump thông qua một cuộc tấn công quân sự nhằm vào các mục tiêu quân sự của quốc gia Trung Đông, song kế hoạch đó được rút lại vào phút chót.
Ngày 1/7, Ngoại trưởng Zarif thông báo Iran đã vượt hạn mức 300kg dự trữ urani theo thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Mỹ cảnh báo duy trì “sức ép tối đa” cho tới khi Iran “thay đổi tiến trình hành động” và cho rằng Tehran đang “đùa với lửa”.
Theo thỏa thuận JCPOA, Iran chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết.
Bên cạnh đó, Tehran được phép sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300kg và lượng urani dư thừa có thể được xuất ra nước ngoài. Đổi lại, các quốc gia phương Tây phải chấp nhận gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Động thái này được cho là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay giữa Washington và Tehran.